Vay nợ đến hạn không trả có phải là lừa đảo không?
Lượt xem: 5276

Vay nợ đến hạn không trả có phải là lừa đảo không?

 

          Do có quen biết nhau từ trước nên bà N có cho bà Q vay số tiền là 2 tỷ để đáo hạn ngân hàng. Sau khi đáo hạn xong thì bà Q trả tiền lãi và gốc 2 tỷ đầy đủ cho bà N. Vì tin tưởng nên sau đó bà N tiếp tục cho bà Q vay số tiền 5 tỷ đồng, hai bên có làm giấy vay tiền, tuy nhiên vì kinh doanh thua lỗ nên bà Q không có khả năng trả nợ cho bà N. Nhiều lần bà N yêu cầu bà Q trả nợ nhưng bà Q không chịu trả số tiền 5 tỷ đã vay bà N mà chỉ hứa là mỗi tháng trả cho bà N số tiền 300.000.000 đồng, nếu công việc thuận lợi sẽ tăng số tiền trả hàng tháng lên 500.000.000 đồng. Bà N không đồng ý mà yêu cầu bà Q phải trả đủ 5 tỷ cho bà N. Nay bà N muốn kiện bà Q tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có được không?

Đối với câu hỏi của bà N, xin được tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 466 của Bộ luật Dân sự năm 2015, nghĩa vụ của người đi vay tài sản là trả đủ tài sản khi đến hạn. Nếu tài sản là tiền, người vay phải trả đủ số tiền; nếu tài sản là vật, người vay phải trả lại vật cùng loại, số lượng và chất lượng, trừ khi có thoả thuận khác. Việc trả nợ đúng hạn là một nghĩa vụ pháp lý. Nếu người vay tiền từ cá nhân, công ty hoặc tổ chức tín dụng tài chính không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận ban đầu, đây sẽ là hành vi vi phạm pháp luật.   

Như vậy bà Q có vay bà N với số tiền 5 tỷ, đến hạn bà Q phải có nghĩa vụ trả nợ cho bà N. Nay bà Q không trả nợ cho bà N thì có hai trường hợp có thể xảy ra:

Trường hợp 1: Bà Q không trả nợ do không có khả năng chi trả và không có ý định lừa dối hoặc trốn tránh để chiếm đoạt tài sản, trong trường hợp này sẽ phát sinh tranh chấp dân sự. Bà N có thể khởi kiện bà Q về việc đòi nợ tại cơ quan Tòa án có thẩm quyền để giải quyết.

Trường hợp 2: Nếu bà Q có khả năng trả nợ nhưng cố ý sử dụng thủ đoạn gian dối hoặc trốn tránh để chiếm đoạt tài sản, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm và chiếm đoạt tài sản hoặc bà Q dùng các thủ đoạn gian dối, đưa ra thông tin giả, thông tin không đúng sự thật để bà N tin đó là  thật và cho bà Q mượn tiền thì bà Q có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

          Theo quy định tại  Điều 463 của Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng vay tài sản là một sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên cho vay chuyển giao tài sản cho bên vay. Khi đến hạn trả, bên vay có trách nhiệm hoàn trả tài sản cùng loại, đúng số lượng và chất lượng, chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định. Trong trường hợp người vay tiền từ cá nhân hoặc tổ chức tín dụng, khi đến hạn trả nợ mà người vay không có khả năng hoặc không trả nợ đúng hạn, bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi theo lãi suất chậm trả được quy định bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc theo quy định của pháp luật. Đây được coi là một tranh chấp dân sự phát sinh từ thỏa thuận vay tiền giữa hai bên. Người cho vay cũng có quyền khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu đòi lại tài sản đã cho vay và các khoản lãi suất chậm trả theo quy định của pháp luật nếu người vay không hoặc chậm trả nợ theo cam kết thỏa thuận.

          Trong trường hợp khi người vay không còn khả năng trả nợ, nhưng vẫn cung cấp thông tin gian dối để vay tiền và ý thức rằng không thể trả nợ và không có ý định trả nợ, thì mới được coi là hành vi lừa đảo. Khi đến hạn trả nợ theo thỏa thuận đã cam kết, người cho vay yêu cầu hoàn trả lại số tiền người vay đã vay như đã thỏa thuận, nhưng người vay lại sử dụng các hành vi gian dối như hứa hẹn, khất lần, quanh co, cung cấp thông tin cá nhân giả, tắt điện thoại, hoặc thậm chí bỏ trốn khỏi nơi cư trú để trì hoãn việc trả nợ. Hành vi như vậy có thể có dấu hiệu vi phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017), với mức hình phạt tù cao nhất là 20 năm hoặc án chung thân.

          Trong trường hợp trên, bà Q vay tiền bà N để làm ăn kinh doanh, nhưng kinh doanh thua lỗ nên không thể trả nợ như đã cam kết với bà N như ban đầu; bà Q cũng có thiện chí trả nợ cho bà N hàng tháng và khi vay tiền bà Q không dùng các thủ đoạn gian dối để tạo niềm tin cho bà N để vay tiền và đến hạn trả nợ bà Q vẫn cam kết trả nợ cho bà  N mà không có dấu hiệu trốn tránh việc trả nợ. Đây là vụ việc dân sự, do đó bà N có thể khởi kiện bà Q đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu đòi lại số tiền 5 tỷ đã cho bà Q vay theo quy định của pháp luật./.

Nhật Nguyễn 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP

Thành phần của Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận
Địa chỉ: 06 Nguyễn Tất Thành, phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Điện Thoại: (0252) 3.822.889 - Fax: (0252) 3.821.697
Email: stp@binhthuan.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang