Cần làm gì khi bị ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc con sau ly hôn?
Câu hỏi: Tôi
và chồng cũ đã ly hôn, tòa xử giao con cho chồng cũ nuôi, tôi có nghĩa vụ cấp
dưỡng nuôi con đến khi trưởng thành. Sau bản án, tôi đã thực hiện đúng trách
nhiệm cấp dưỡng của minh nhưng khi tôi đến thăm con thì chồng cũ không cho thăm
và có lời nói xúc phạm tôi. Cho tôi hỏi, theo quy định pháp luật thì chồng cũ có
quyền ngăn cản tôi thăm nom, chăm sóc con sau khi ly hôn không? Nếu bị ngăn cản,
tôi cần phải làm gì?
Trả lời:
Nội dung câu hỏi của bạn xin được trao đổi như sau:
Theo quy định tại
Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì chỉ hạn chế quyền của cha, mẹ đối
với con chưa thành niên trong một số trường hợp. Cụ thể: Cha, mẹ bị hạn chế quyền
đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:
- Bị kết án về
một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với
lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc,
nuôi dưỡng, giáo dục con.
- Phá tán tài sản
của con.
- Có lối sống đồi
trụy.
- Xúi giục, ép
buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Căn cứ vào từng
trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ
quan, tổ chức quy định tại Điều 86 Luật Hôn nhân và gia đinh để ra quyết định
không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của
con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm.
Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.
Ngoài ra, theo
quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về nghĩa vụ,
quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
- Cha, mẹ không
trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người
trực tiếp nuôi.
- Cha, mẹ không
trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
- Sau khi ly
hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai
được cản trở.
- Cha, mẹ không
trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến
việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con
có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Bên cạnh đó, tại
khoản 2 Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nghĩa vụ, quyền của
cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly
hôn. Cụ thể:
- Cha, mẹ trực
tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các
nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình; yêu cầu người
không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi
con của mình.
- Cha, mẹ trực
tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực
tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Tại Điều 56 Nghị
định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “người
có hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa
ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với
nhau thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đối chiếu quy định
trên, nếu không phải là do quyết định của Tòa án hạn chế việc thăm nom,
chăm sóc con sau ly hôn mà do người vợ ngăn cản việc thăm nom, chăm sóc con thì
sẽ bị phạt tiền 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ngăn cản này”.
Để xử lý người
có hành vi ngăn cản, bạn cần lập vi bằng hành vi ngăn cản việc thăm nom, chăm
sóc con làm bằng chứng, sau đó làm đơn phản ánh kèm các tài liệu chứng cứ chứng
minh bản thân bị cản trở khi thăm nom, chăm sóc con tới cơ quan có thẩm quyền
là UBND cấp quận/huyện theo quy định tại Điều 68 Nghị định 144/2021/NĐ-CP để
các cơ quan xem xét xử lý hành vi này. Đồng thời việc lập vi bằng về hành vi cản
trở khi thăm nom, chăm sóc con cũng là căn cứ để bạn khởi kiện thay đổi người
trực tiếp nuôi con tại tòa án.
Hoàng Sơn – Trung tâm TGPL Nhà nước