Thủ tục ủy quyền phân chia di sản trong nước của người việt nam định cư ở nước ngoài
Thủ tục ủy quyền phân chia di sản trong nước của người việt nam định cư ở nước ngoài
Hỏi:
Mẹ tôi chết năm 2020 có để lại một ngôi nhà và 04 ha đất (có bìa đỏ).
Trước khi chết, bà không có để lại di chúc nên khối di sản được chia theo quy
định pháp luật. Tuy nhiên, một trong bốn người con của bà đi xuất khẩu lao động
ở Nhật không thể về làm thủ tục nhận thừa kế được. Vậy người đó có thể viết
giấy ủy quyền cho một trong ba người anh chị em ở Việt Nam lập văn bản phân
chia di sản thừa kế và nhận thừa kế được không?
Trả lời:
Để làm rõ từng vấn đề liên quan đến câu hỏi của bạn, nội dung tư vấn chia ra
như sau:
Thứ nhất: trong trường hợp này không
thể làm giấy ủy quyền được.
Theo quy định tại điểm d, Khoản 4, Điều
24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 16/5/2015 thì thủ
tục chứng thực chữ ký được áp dụng đối với trường hợp chứng thực giấy ủy quyền,
khi hành vi ủy quyền đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: không có thù lao; không
có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền; không liên quan đến việc chuyển
quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản. Do vậy không thể chứng thực
chữ ký đối với giấy ủy quyền thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là quyền sở
hữu nhà, quyền sử dụng đất như bạn hỏi được.
Theo khoản 3, Điều 14 Thông tư số
01/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp ban hành ngày 03/3/2020 về việc hướng dẫn thi
hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, thì việc ủy quyền cho người
khác tham gia phân chia, định đoạt quyền sử dụng đất không thuộc trường hợp
được chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền. Các bên phải xác lập hợp đồng ủy
quyền và thực hiện công chứng hoặc chứng thực hợp đồng ủy quyền theo quy định
pháp luật.
Thứ hai: phải tiến hành thủ tục công
chứng hợp đồng ủy quyền.
Người ủy quyền cho người khác đại diện
cho mình thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, bình thường ở trong nước cần đến
Văn phòng/Phòng công chứng lập hợp đồng ủy quyền. Theo quy định tại khoản 2,
Điều 55 Luật Công chứng 2014, trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy
quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu
cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền;
bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng
tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy
quyền.
Người anh em của bạn đang làm việc và
cư trú ở Nhật trong trường hợp này muốn làm thủ tục ủy quyền thì phải chuẩn bị
một bộ hồ sơ cần thiết (01 bản sao y hộ chiếu, 01 bản sao y giấy cư trú ở Nhật,
01 bản sao y giấy chứng tử của bà mẹ, 01 bản sao giấy khai sinh, 01 bản sao y
giấy chứng nhận QSHNO, QSD đất là di sản và dự thảo bản hợp đồng ủy quyền + 01
bản sao y CCCD/CMND của người được ủy quyền) đến Đại sứ quán/Lãnh sự quán Việt
Nam tại Nhật Bản để được công chứng hợp đồng ủy quyền (một bên) theo quy định
tại khoản 1, Điều 78 Luật Công chứng 2014.
Sau khi được Đại sứ quán/Lãnh sự quán
Việt Nam tại Nhật hoàn tất thủ tục công chứng thì gửi 02 bản hợp đồng này về
cho người được ủy quyền tại Việt Nam ra Văn phòng/Phòng Công chứng tại địa
phương cư trú (tỉnh/thành) hoàn tất thủ tục công chứng (ký nối/ký thụ ủy).
Thứ ba: không được ủy quyền cho đồng
thừa kế khác lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 141 Bộ
luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 thì một cá nhân có
thể đại diện cho nhiều cá nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được
đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ
ba mà mình cũng là người đại diện của người đó.
Như vậy, một đồng thừa kế không thể ủy
quyền cho đồng thừa kế khác tham gia lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản
thừa kế được.
Trường hợp người anh em của bạn đang xuất
khẩu lao động ở Nhật nói trên và 03 người anh em ở Việt Nam là các đồng thừa
kế. Nếu người đó ủy quyền cho một trong 03 đồng thừa kế tại Việt Nam lập văn
bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế thì rõ ràng người được ủy quyền vừa
nhân danh bản thân mình, vừa nhân danh đại diện theo ủy quyền của đồng thừa kế
ở Nhật tham gia thỏa thuận là trái với quy định của điều luật đã viện dẫn ở
trên. Do vậy, người này không thể ủy quyền cho bất cứ ai trong 03 anh em của
mình ở Việt Nam hay các đồng thừa kế khác mà phải ủy quyền cho người khác không
cùng hàng thừa kế.
Hoàng Sơn