03 tình huống pháp luật
Lượt xem: 6327

03 tình huống pháp luật

(Thực hiện Chương trình mục tiêu phòng, chống tội phạm năm 2022)

          Tình huống 1: Găm hàng, chờ lên giá để trục lợi của các cửa hàng xăng dầu sẽ bị xử lý như thế nào?

Hỏi:

Trong thời gian vừa qua, giá xăng dầu có nhiều biến động và tăng giá nhiều lần do ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới. Lợi dụng tình hình đó, nhiều cửa hàng xăng dầu đã treo biển “hết hàng” để đóng cửa, tạm ngưng bán hoặc mở cửa nhưng bán cầm chừng, nhỏ giọt thậm chí nhiều cửa hàng còn xăng, dầu nhưng tích trữ không bán cho người dân và có dấu hiệu găm hàng chờ tăng giá. Vậy cho tôi hỏi, hành vi găm hàng, chờ lên giá để trục lợi của các cửa hàng xăng dầu nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Điều 15 Luật Giá năm 2012 quy định về hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá thì xăng, dầu là hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá theo quy định pháp luật.

* Xử lý vi phạm hành chính:

- Điều 35 Nghị định 99/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng, dầu và khí quy định:

Phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng đối với hành vi không ghi hoặc không ghi rõ thời gian bán hàng tại khu vực bán hàng theo quy định. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:  Giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không bán hàng, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

- Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi bởi khoản 22 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP) quy định:

Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá; khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác.

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trên trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.

Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trên trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trên trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới 1tỷ đồng.

Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trên trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 1tỷ đồng trở lên.

- Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm trên.  Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định như trên.

Ngoài ra, theo Điều 32 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 23 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP), hành vi “găm” xăng, dầu thuộc danh mục bình ổn giá mà không có lý do chính đáng có thể bị xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Cắt giảm địa điểm bán hàng; cắt giảm phương thức bán hàng (từ bán buôn sang bán lẻ) khác với thời gian trước đó; quy định, niêm yết, bán hàng theo định lượng, đối tượng mua hàng khác với thời gian trước đó; cắt giảm thời gian bán hàng, thời gian cung ứng hàng hóa khác với thời gian trước đó.

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường; ngừng bán hàng hóa ra thị trường; không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh để bán hàng; mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng.

Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của ba tháng liền kề trước đó.

- Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này; tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

Như vậy, hành vi “găm” xăng, dầu không có lý do chính đáng nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, đồng thời sẽ bị tịch thu tang vật và tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh từ 06 tháng đến 12 tháng. Lưu ý, đây là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện thì phạt tiền bằng một nửa mức phạt tiền quy định đối với tổ chức (Điều 5 Nghị định 98/2020/NĐ-CP).

* Xử lý hình sự:

Điều 196 (Tội đầu cơ) Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính sẽ bị phạt tiền, phạt tù. Trường hợp, nếu đối tượng mua vét hàng hóa tại thời điểm giá xăng, dầu tăng, sau đó bán lại thu lời bất chính là hành vi đầu cơ, cụ thể:

- Phạm tội trong trường hợp hàng hóa trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng; thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Phạm tội trong trường hợp hàng hóa trị giá 3 tỷ đồng trở lên; thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 1,5 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Tình huống 2: Dùng bẫy điện gây chết người sẽ bị xử lý như thế nào?

Hỏi:

Trong xóm gần nhà tôi ở có một trang trại nuôi gà số lượng lớn. Với mục đích phòng chống trộm cắp và bẫy chuột để bảo vệ đàn gà, chủ trang trại đã có hành vi đặt hàng rào bằng lưới điện xung quanh trang trại của mình. Vậy cho tôi hỏi, nếu vô tình có ai đó chạm vào hàng rào bẫy điện dẫn đến chết người thì chủ trang trại có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không và nếu có thì sẽ bị xử lý hình sự về tội danh gì?

Trả lời:

Hành vi đặt hàng rào bằng lưới điện để phòng chống trộm cắp và bẫy chuột để bảo vệ đàn gà của chủ trang trại là gây nguy hiểm cho xã hội. Trong trường hợp sử dụng điện trái phép, gây hậu quả chết người sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Tại khoản 12 Mục I Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp các vấn đề nghiệp vụ, hướng dẫn nội dung sau:

- Nếu chủ trang trại gà sử dụng điện trái phép để phòng chống trộm cắp và diệt chuột, mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế là có người bị điện giật chết thì chủ trang trại gà bị xử lý hình sự về Tội giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, mức phạt tù là từ 07 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

- Nếu chủ trang trại gà sử dụng điện trái phép để phòng chống trộm cắp và diệt chuột,  mắc điện ở nơi mà chủ trang trại gà tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra… nhưng hậu quả có người bị điện giật chết thì chủ trang trại gà bị xử lý hình sự về Tội vô ý làm chết người, quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015, mức phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù đến 10 năm. Tuy nhiên, việc kết luận chính xác tội danh phải căn cứ vào tài liệu chứng cứ của vụ án trong từng trường hợp cụ thể.

          Tình huống 3: Chiếm đoạt, ăn chặn tiền từ thiện sẽ bị xử lý như thế nào?

Hỏi:

Trong thực tế, trước tình hình thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề cho người dân, nhiều  tổ chức, cá nhân có uy tín đã đứng ra kêu gọi, vận động đóng góp tiền, hàng hóa để làm từ thiện nhằm hỗ trợ cho những đối tượng bị ảnh hưởng. Đây là một việc làm hết sức nhân văn, tốt đẹp và có ý nghĩa. Tuy nhiên, trong trường hợp cá nhân lợi dụng tình hình và lòng tin của mình để kêu gọi, vận động đóng góp từ thiện rồi có hành vi trục lợi, ăn chặn, không sử dụng hoặc sử dụng không hết số tiền từ thiện thì sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào?

Trả lời:

Để đảm bảo tính công khai, minh bạch khi cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, quy định cụ thể như sau:

Thứ nhất, khi vận động, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên phương tiện truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (với tiền), địa điểm tiếp nhận (với hiện vật), thời gian cam kết phân phối; đồng thời, người vận động gửi văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú thông báo về nội dung này. Chính quyền xã sẽ lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Thứ hai, cá nhân tham gia vận động phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng theo từng cuộc vận động, để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp; bố trí địa điểm tiếp nhận, bảo quản hiện vật đóng góp; có biên nhận các khoản đóng góp bằng tiền hoặc hiện vật tiếp nhận được nếu người đóng góp yêu cầu và không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết; có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

Thứ ba, cá nhân vận động quyên góp thông báo đến địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ để phối hợp xác định phạm vi, nhóm người cần hỗ trợ, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ. Chậm nhất 3 ngày làm việc, chính quyền địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ phải hướng dẫn các nội dung trên; cử lực lượng tham gia phân phối cùng người vận động khi cần thiết hoặc theo đề nghị của người đó. Nếu số tiền đóng góp tự nguyện còn dư thì người đứng ra vận động thống nhất với những người đóng góp để có phương án sử dụng; hoặc chuyển cho Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện chính sách an sinh xã hội đảm bảo phù hợp với mục tiêu đã cam kết.

Thứ tư, cá nhân đứng ra vận động cứu trợ phải tự chi trả toàn bộ các chi phí liên quan, như chi phí tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp... Trường hợp tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì cá nhân vận động được trích kinh phí từ nguồn vận động được nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này.

Để đảm bảo tính công khai, minh bạch các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, phân phối để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, người vận động cần mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về quá trình này, từ khâu tiếp nhận đến khi phân phối xong; công khai trên truyền thông và gửi kết quả đến UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết tại trụ sở trong 30 ngày. Các nội dung công khai gồm: Văn bản vận động cứu trợ; kết quả tiếp nhận (tổng số tiền, hiện vật tiếp nhận); kết quả phân phối... Trường hợp cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu, người vận động cứu trợ có trách nhiệm cung cấp thông tin.

* Xử lý vi phạm hành chính:

Trường hợp quyên góp tiền của người khác với lý do làm từ thiện nhưng lại không dùng khoản tiền đó cho mục đích từ thiện mà nhằm chiếm đoạt thì căn cứ điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ “Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản…”, sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Ngoài ra, còn bị tịch thu toàn bộ số tiền đã kêu gọi, quyên góp được.

* Xử lý hình sự:

Nếu hành vi chiếm đoạt tiền từ thiện có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong đó, cần xác định “hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền từ thiện” có trước hay sau việc kêu gọi từ thiện.

- Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Thủ đoạn gian dối trong trường hợp kêu gọi quyên góp từ thiện có thể là đưa ra thông tin giả để làm cho người khác tin và giao tài sản cho người phạm tội. Mức phạt đối với người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể lên đến 20 năm tù, thậm chí là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần tài sản hoặc toàn bộ tài sản.

- Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác rồi dùng thủ đoạn gian dối để bỏ trốn hoặc chiếm đoạt tài sản đó. Trong trường hợp kêu gọi quyên góp tiền từ thiện, hành vi chiếm đoạt tài sản có thể là hành vi không thực hiện đúng cam kết ban đầu, cũng không trả lại số tiền đã quyên góp bằng các thủ đoạn gian dối như rút bớt tài sản, giả mạo bằng chứng từ. Người phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Dương Thị Trúc Linh

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 0
  • Hôm nay: 74
  • Trong tuần: 33 338
  • Tháng hiện tại: 132 864
  • Tổng lượt truy cập: 4809521
Đăng nhập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP

Thành phần của Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận
Địa chỉ: 06 Nguyễn Tất Thành, phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Điện Thoại: (0252) 3.822.889 - Fax: (0252) 3.821.697
Email: stp@binhthuan.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang