Kết quả kiểm tra tổ chức, hoạt động hành nghề luật sư của 03 Văn phòng luật sư trên địa bàn tỉnh
Thực
hiện Kế hoạch số 19/KH-STP ngày 07/3/2019 của Sở Tư pháp về kiểm tra tổ chức và
hoạt động hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá, giám định tư pháp, thừa phát
lại trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2019, Đoàn Kiểm tra theo Quyết định số 154/QĐ-STP
ngày 27/8/2019 của Sở Tư pháp đã tiến hành kiểm tra các tổ chức hành nghề luật
sư gồm: Văn phòng luật sư số 3, Văn phòng luật sư Ngọc Ký, Văn phòng luật sư số
7 từ ngày 19/9/2019 đến 25/9/2019. Qua kết quả kiểm tra thực tế, Đoàn kiểm tra đã
có các kết luận cụ thể như sau:
Đối với
Văn phòng luật sư số 3: Từ khi được Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký
hoạt động, Văn phòng luật sư số 3 thực hiện theo đúng các quy định của pháp
luật về Luật luật sư; Văn phòng thực hiện đúng lĩnh vực,
ngành nghề đã đăng ký; không có việc bồi thường thiệt hại do lỗi của luật sư
văn phòng gây r. Qua kiểm tra, từ ngày 01/7/2018 đến thời điểm kiểm tra, Văn
phòng thực hiện 94 việc trợ giúp pháp lý, trong đó, hợp đồng dịch vụ pháp lý:
16 việc, tham gia tố tụng trong vụ án hình sự: 33 việc (trong đó có 06 án chỉ
định); tư vấn pháp lý miễn phí: 45 việc; doanh thu: 224.000.000 đồng, nộp ngân
sách nhà nước: 584.500 đồng/tháng. Trưởng
Văn phòng cũng đã cử luật sư của tổ chức mình tham gia tố tụng theo đúng phân
công của Đoàn luật sư và theo đúng quy định tại khoản 7 Điều 11 Luật luật sư
sửa đổi, bổ sung năm 2012.
Đối với Văn phòng luật sư Ngọc
Ký: Văn phòng thực hiện đúng lĩnh vực, ngành nghề đã đăng ký; không có
việc bồi thường thiệt hại do lỗi của luật sư văn phòng gây ra; năm 2018, đã
giải quyết xong 09 vụ, doanh thu: 9.000.000 đồng/vụ, nộp ngân sách nhà nước:
1.500.000 đồng/vụ; năm 2019, nộp ngân sách nhà nước: 5.499.778 đồng.
Đối với Văn phòng luật sư số 7: Từ
khi được Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động, Văn phòng luật sư số 7 thực
hiện theo đúng các quy định của pháp luật về Luật luật sư, tất cả các vụ việc
đều thực hiện đúng theo giao kết với khách hàng; Trưởng Văn phòng đã cử
luật sư tham gia tố tụng đúng theo Quyết định phân công án chỉ định của Đoàn
luật sư, trong đó, năm 2018 (ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2018) là 07 vụ; 06
tháng đầu năm 2019 (ngày 01/01/2019 đến ngày 31/06/2019) là 03 vụ; việc
trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật miễn phí: năm 2018 (ngày 01/01/2018 đến ngày
31/12/2018) là 11 vụ và 06 tháng đầu năm 2019 (ngày 01/01/2019 đến ngày
31/06/2019) là 02 vụ; Văn phòng thực hiện đúng lĩnh vực,
ngành nghề đã đăng ký; không có việc bồi thường thiệt hại do lỗi của luật sư
văn phòng gây ra; có mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho tất cả các Luật sư
đang làm việc tại tổ chức mình và các luật sư thành viên được Văn phòng luật sư
số 7 ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật về lao động, luật
luật sư; chấp hành đầy đủ chế độ báo cáo, kiểm tra, thanh tra của cơ quan thẩm
quyền.
Qua kiểm tra, nhìn chung, các tổ chức hành nghề luật
sư hoạt động đúng lĩnh vực hành nghề đã đăng ký; có bố
trí cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu công việc, có
nhiều luật sư có kinh nghiệm cộng tác, thể hiện tính quy mô của Văn phòng trong
hoạt động hành nghề tại địa phương; các nhân sự làm việc tại đều được ký hợp
đồng lao động đầy đủ theo quy định.
Tuy nhiên, còn có Văn phòng chưa thực hiện đầy đủ các
quy định trong quá trình hành nghề, cụ thể như: chưa thực hiện việc mua bảo
hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các luật sư tại Văn phòng theo quy định tại
Khoản 6 Điều 40 Luật luật sư; không mở Sổ
theo dõi hợp đồng dịch vụ pháp lý/phiếu thỏa thuận thực hiện dịch vụ pháp lý,
Sổ theo dõi việc tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan
tiến hành tố tụng/thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định tại Điều 36
Thông tư 17/2011/TT-BTP ngày 14/10/2011 của Bộ Tư pháp. Có trường hợp khi thay
đổi địa chỉ trụ sở nhưng không thực hiện việc đề
nghị Sở Tư pháp cấp lại Giấy đăng ký hoạt động theo quy định,…
Từ
thực tế kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã có kết luận và yêu cầu Trưởng các Văn phòng
luật sư: số 3, Ngọc Ký, số 7 nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh và khắc
phục ngay những hạn chế, thiếu sót đã nêu tại các Kết luận. Qua đó, để các luật
sư hành nghề đảm bảo chấp hành đúng các quy định của Luật luật sư, các văn bản
hướng dẫn thi hành và các quy định khác của pháp luật có liên quan để hoạt động
luật sư ngày càng tốt hơn. Đồng thời, có giải pháp nâng cao hơn nữa trong thời
gian tới đối với hoạt động hành nghề luật sư của tổ chức mình.
Riêng
đối với Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư, Đoàn Kiểm tra đề nghị tăng cường công tác
giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức hành nghề luật sư và các luật sư trong
hoạt động hành nghề, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; Đẩy mạnh công
tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ luật sư là
thành viên để đảm bảo hoạt động hành nghề theo đúng quy định của pháp luật, Điều
lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư
Việt Nam.
Mỹ Oanh