Kết quả kiểm tra công tác Tư pháp trên địa bàn huyện Tuy Phong năm 2020
Kết quả kiểm tra
công tác Tư pháp trên địa bàn huyện Tuy Phong năm 2020
Thực hiện Kế
hoạch số 30/KH-STP ngày 12/3/2020 của Sở Tư pháp về kiểm tra công tác Tư pháp
địa phương năm 2020. Vừa qua, Sở Tư pháp đã thành lập Đoàn kiểm tra công tác Tư
pháp huyện Tuy Phong do đồng chí Phạm Thị Minh Hiếu – Phó Giám đốc Sở làm
trưởng đoàn và vào ngày 29/9/2020, Đoàn đã tiến hành kiểm tra tại UBND xã Vĩnh
Tân và UBND huyện Tuy Phong, kết quả kiểm tra như sau:
Về
công tác Phổ biến giáo dục pháp luật: Trong năm, Phòng Tư pháp đã tham mưu UBND
huyện ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác
PBGDPL trên địa bàn huyện kịp thời; tham mưu UBND huyện sơ kết, tổng kết, tổ
chức kiểm tra công tác PBGDPL tại các xã, thị trấn trên địa bàn; Hội đồng
PBGDPL huyện được củng cố, kiện toàn, có quy chế tổ chức và hoạt động cụ thể,
có sự phân công phụ trách địa bàn cho từng thành viên Hội đồng. Quan tâm, chú
trọng đến công tác PBGDPL cho học sinh và giáo viên nhà trường, cũng như PBGDPL
cho các đối tượng đặc thù theo quy định của Luật PBGDPL như: đồng bào dân tộc
thiểu số, ngư dân vùng biển, người lao động trong các doanh nghiệp,…UBND huyện
đã quan tâm phân bổ kinh phí cho công tác PBGDPL, đây là một trong những điều
kiện quan trọng để Phòng Tư pháp tham mưu phối hợp triển khai thực hiện tốt
công tác PBGDPL.
UBND xã Vĩnh Tân đã quan tâm thực hiện đúng chế độ chi thù lao cho tổ hòa giải theo vụ
việc và chế độ chi hỗ trợ hoạt động của
tổ hòa giải theo đúng Quyết định số 09/2015/QĐ-UBND ngày 12/3/2015 của UBND
tỉnh Bình Thuận.
Về công
tác Hành chính tư pháp: UBND huyện Tuy Phong
đã thực hiện tốt công tác đăng ký và quản lý hộ tịch; kịp thời ban hành các văn
bản chỉ đạo Phòng Tư pháp và UBND cấp xã thực hiện nghiêm túc Luật Hộ tịch và
các văn bản hướng dẫn thi hành; triển khai tốt phần mềm đăng ký hộ tịch; triển
khai liên thông kết nối dữ liệu khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em
dưới 6 tuổi trên địa bàn theo đúng quy định; các sổ bộ ghi chép đầy đủ, rõ ràng, sạch sẽ, có thực hiện
việc thống kê và khóa sổ bộ; đa số hồ sơ giải quyết
đúng và sớm hẹn. Thực hiện nghiêm Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày
16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản
chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch; thực hiện việc cập
nhật thông tin về hợp đồng, giao dịch đã chứng thực lên Hệ thống cơ sở dữ liệu
chứng thực của tỉnh kịp thời theo quy định của Quyết định số 15/2019/QĐ-UBND
ngày 12/6/2019 của UBND tỉnh.
Về
tổ chức, bộ máy, biên chế thực hiện công tác Tư pháp: Nhìn chung, cơ cấu công
chức tư pháp của huyện và xã được bố trí đầy đủ, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm
vụ. Đối với Phòng Tư pháp được bố trí 04 biên chế, trong đó gồm Trưởng phòng,
01 Phó Trưởng phòng và 02 chuyên viên. Về trình độ chuyên môn có 04/4 cử nhân
Luật; về trình độ lý luận chính trị: 01/4 cao cấp và 03/4 trung cấp. Đối với cấp
xã: mỗi xã được bố trí 02 công chức Tư pháp – Hộ tịch đảm bảo đúng theo quy
định; thời gian làm công tác tư pháp của công chức tư pháp - hộ tịch tương đối
lâu dài, các địa phương đều có tính kế thừa. Về trình độ chuyên môn có 17 cử
nhân Luật, 01 trung cấp Luật, 01 đại học khác, 02 trung cấp khác và 01 chưa qua
đào tạo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn
còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế cần lưu ý đó là: Sổ theo dõi chứng thực
hợp đồng, giao dịch năm 2019 có thực hiện việc khóa sổ nhưng không đóng dấu
giáp lai từng trang của sổ; một số hồ sơ không lưu giấy tờ chứng minh quan hệ
huyết thống của người nhận di sản và người để lại di sản, hồ sơ chứng thực chữ
ký người dịch, phần lời chứng không đúng theo mẫu quy định, không ghi tên người
ký chứng thực. Sổ bộ đăng ký khai sinh có một số trường hợp bỏ trống mục ghi
giấy tờ tùy thân của người đi đăng ký khai sinh; Sổ Đăng ký kết hôn không ghi
ngày tháng năm xác lập quan hệ hôn nhân và một số sai sót khác. Về cơ cấu công
chức Tư pháp của huyện và xã tuy được bố trí đầy đủ nhưng về trình độ chuyên
môn có 04 công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy
định của Luật Hộ tịch.
Qua kiểm tra, Đoàn đã có một số kiến nghị như sau: Đề
nghị UBND huyện Tuy Phong tiếp tục phát huy những mặt đạt được trong công tác
Tư pháp trong thời gian qua, đồng thời chỉ đạo khắc phục kịp thời những hạn chế
tồn tại. Chỉ đạo, củng cố kiện toàn đội ngũ công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã
đảm bảo trình độ chuyên môn từ trung cấp Luật trở lên; cử công chức Tư pháp - Hộ
tịch tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ Hộ tịch đảm bảo theo quy định. Chỉ đạo UBND
cấp xã tiếp tục thực hiện phần mềm Hộ tịch và phần mềm cơ sở dữ liệu về chứng thực;
quan tâm bố trí trang thiết bị máy vi tính, đường truyền Intenet đủ mạnh để đảm
bảo mỗi công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã được trang bị đầy đủ máy vi tính để
thực hiện nhiệm vụ Tư pháp – Hộ tịch trên 02 phần mềm hộ tịch và chứng thực. Tiếp
tục quan tâm, phân bổ kinh phí để công tác PBGDPL trên địa bàn huyện đạt hiệu
quả cao; chú trọng chính sách xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các tổ chức,
doanh nghiệp tham gia hoạt động PBGDPL tại địa phương.
Vân
Châu