Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ ngày 03/01/2023
Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự
thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ ngày 03/01/2023
Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa ban
hành Nghị quyết số 671/NQ UBTVQH15 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Dự
thảo Luật Đất đai sửa đổi. Theo đó,
thời gian lấy ý kiến được thực hiện từ ngày 3/1/2023 đến ngày 15/3/2023.
Mục đích của việc tổ chức lấy kiến Nhân dân nhằm phát huy quyền làm
chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để
hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của
Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng
được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đồng thời, tạo sự thống
nhất và đồng thuận của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai; nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ
pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện
chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đối tượng lấy ý kiến bao gồm: Các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt
Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành
viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội -
nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ
chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa
học.
Nội dung lấy ý kiến bao gồm toàn bộ nội dung Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Tuy nhiên sẽ có các nội dung trọng tâm và được Chính phủ xác định cho từng nhóm
đối tượng phù hợp để lấy ý kiến.
Hình thức lấy ý kiến đa dạng, có thể lấy ý kiến trực tiếp bằng văn bản, tổ
chức các hội nghị, tọa đàm, hội thảo, có thể lấy ý kiến trực tuyến thông qua
cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường,…
và các hình thức khác phù hợp.
Nghị quyết cũng đặt ra một số yêu cầu
của việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân. Theo đó, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân
phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm
tiến độ, chất lượng và tiết kiệm. Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân với các hình thức
thích hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để
các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham
gia góp ý. Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân phải bảo đảm sự lãnh đạo của các
cấp ủy Đảng; sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ của các cấp chính quyền; đề
cao trách nhiệm người đứng đầu và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức. Nội
dung lấy ý kiến Nhân dân phải toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, tập trung
vào một số nội dung, chính sách lớn, các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích
hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được dư luận quan tâm. Ý kiến đóng góp của
Nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được
nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai
(sửa đổi).
Tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân
dân tham gia đóng góp ý kiến; kiên quyết đấu tranh với thế lực thù địch lợi
dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà
nước.
Về phân công trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, Chính phủ xây dựng kế
hoạch, xác định nội dung trọng tâm lấy ý kiến và tổ chức lấy ý kiến nhân dân về
dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); chủ trì tổng hợp ý kiến và xây dựng báo cáo kết
quả lấy ý kiến Nhân dân.
Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm
sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước tổ chức lấy ý kiến Tòa án nhân dân,
Viện kiểm sát nhân dân các cấp, các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức lấy
ý kiến đối với nội dung có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp,
chính đáng của đoàn viên, hội viên, quyền và trách nhiệm của tổ chức mình.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu
Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt
trận cùng cấp tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm
tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến và gửi Chính phủ (qua Bộ Tài
nguyên và Môi trường) để tổng hợp, đồng thời gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (qua
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) để theo dõi.
Các cơ quan thông tấn, báo chí có
trách nhiệm đăng tải, tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến dự thảo
Luật Đất đai (sửa đổi) để cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, trung thực,
khách quan, phục vụ cho việc đóng góp ý kiến của Nhân dân; tổng hợp các ý kiến
Nhân dân gửi Chính phủ (qua Bộ Tài nguyên và Môi trường)./.
Hải
Lam Tường