Sở Tư pháp tổ chức họp Hội đồng tư vấn thẩm định Dự thảo Nghị quyết ban hành quy định chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh
Sở Tư pháp tổ chức họp Hội đồng tư
vấn thẩm định Dự thảo Nghị quyết ban hành quy định chính sách hỗ trợ cán bộ,
công chức, viên chức, học sinh, sinh viên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước
ngoài và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài làm việc trên địa
bàn tỉnh
Căn cứ Quyết định số 18/QĐ-STP ngày 07/02/2023 của Giám đốc
Sở Tư pháp về việc thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định dự thảo văn bản quy phạm
pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh, ngày 14/02/2023, Sở Tư pháp đã tiến
hành họp Hội đồng tư vấn thẩm định dự thảo của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành
Quy định chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên
được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài và thu hút nguồn nhân lực chất lượng
cao từ nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh. Thành viên Hội đồng tư vấn thẩm
định gồm: Ông Nguyễn Quốc Thắng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Chủ trì cuộc họp; Đại
diện cơ quan chủ trì soạn thảo (Sở Nội vụ) và đại diện các cơ quan có liên
quan. Sau khi thảo luận, các thành viên của Hội đồng thống nhất một số ý kiến
sau đây để Sở Nội vụ nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo trước khi trình UBND tỉnh
trình HĐND tỉnh:
1.
Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
Sinh viên đang học năm
cuối đại học, sau đại học không thuộc đối tượng áp dụng của dự thảo. Ngoài ra,
điểm c khoản 1 Điều 5 cũng không quy định điều kiện đối với hai đối tượng này.
Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu không quy định sinh viên đang học
năm cuối đại học, sau đại học tại điểm a khoản 1 Điều 2 dự thảo.
2.
Về nội dung của dự thảo
a) Về nguyên tắc thực
hiện:
- Nội dung quy định tại
2 Điều 3 dự thảo mang tính chất như một khoản nợ. Do đó, chỉ quy định đền bù
kinh phí đào tạo khi thuộc các trường hợp phải đền bù kinh phí đào tạo.
- Đề nghị rà soát, không
quy định điều khoản giải thích từ ngữ, nghiên cứu đưa các nội dung tại khoản 1
và khoản 2 Điều 4 vào phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng. Riêng khoản 3 Điều
4, nếu xác định nội dung này là điều kiện để thu hút thì đề nghị nghiên cứu quy
định tại Điều 10 dự thảo.
b) Về chính sách hỗ trợ
đào tạo sau đại học
- Đối với chi phí vé máy
bay và chi phí đi đường trong trường hợp đặc biệt, dự thảo quy định cấp thêm
một vé máy bay đi và về nếu gia đình có người thân gồm bố, mẹ đẻ hoặc bố mẹ
nuôi hợp pháp, bố, mẹ vợ (hoặc chồng), vợ (hoặc chồng), con đẻ, con nuôi hợp
pháp chết hoặc cơ sở đào tạo tạm dừng học trực tiếp do dịch bệnh, được Ủy ban
nhân dân tỉnh cho phép về nước thì được cấp thêm một vé máy bay đi và về. Tuy
nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, dự liệu đến trường hợp đặc biệt hơn.
Ví dụ như trong toàn khóa học, người được cử đi đào tạo có từ 2 lượt người thân
liệt kê ở trên chết thì mức hỗ trợ vé máy bay và chi phí đi được được tính như
thế nào?
- Tại đoạn cuối của điểm
b khoản 2 Điều 5: Đề nghị làm rõ nội dung phục vụ công tác điều tra, khảo sát,
nghiên cứu. Bên cạnh đó, đề nghị xác định “công
tác điều tra” tại nội dung này có phải là công tác điều tra trong hoạt động
tố tụng hay không? Ngoài ra, dự thảo quy định Chủ tịch UBND tỉnh quyết định về
mức hỗ trợ đối với việc cấp sinh hoạt phí và các khoản chi hỗ trợ cho ứng viên
là không phù hợp với thẩm quyền quyết định các mức chi có tính chất đặc thù.
c) Về chính sách đào tạo
đại học
- Tại điểm e khoản 1
Điều 6 quy định: “Sau khi hoàn thành
chương trình đào tạo đại học trong nước, nếu kết quả điểm tốt nghiệp chuyên
ngành đạt loại khá trở lên sẽ được tiếp tục được cử đi đào tạo sau đại học ở
nước ngoài. Việc tham gia đạo thực hiện theo quy định Điều 5 Quy định này.
Trường hợp kết quả tốt nghiệp không đạt loại khá trở lên sẽ đền bù kinh phí đào
tạo theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 Quy định này”. Như vậy, theo
nội dung dự thảo và căn cứ các quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên
chức Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về
tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày
25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức,
sau khi đền bù kinh phí đào tạo, ứng viên vẫn có thể được tham gia các kỳ tuyển
dụng công chức, viên chức theo quy định.
Tuy nhiên, dự thảo chưa
dự liệu được trường hợp: Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo đại học trong
nước, nếu kết quả điểm tốt nghiệp chuyên ngành đạt loại khá trở lên nhưng học
viên không có nhu cầu được đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài thì có được tham
gia các kỳ tuyển dụng công chức, viên chức hay không?
Đối với trường hợp này,
khi thực hiện trên thực tế có thể dẫn đến một số vướng mắc như sau:
+ Nếu người này không
được tham gia dự tuyển công chức, viên chức thì chính sách này vi phạm quy định
về điều kiện đăng ký dự tuyển công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán
bộ, công chức; Luật Viên chức; Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của
Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số
115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và
quản lý viên chức.
+ Nếu người này vẫn được
tham gia dự tuyển công chức, viên chức theo quy định của pháp luật thì không
đảm bảo mục đích của chính sách: cử học sinh đi đào tạo đại học trong nước để
tham gia đào tạo sau đại học ở nước ngoài.
- Đề nghị nghiên cứu
điều chỉnh điều kiện về độ tuổi được cử đi đào tạo theo ý kiến góp ý của Sở Giáo
dục và Đào tạo tại cuộc họp Hội đồng tư vấn thẩm định.
d) Chính sách bồi dưỡng
kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức ở
nước ngoài (khoản 2 Điều 7) có khả năng trùng với chế độ công tác phí cho cán
bộ, công chức Nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách Nhà nước
bảo đảm kinh phí theo Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21/6/2012 của Bộ trưởng
Bộ Tài chính. Vì vậy, đề nghị Sở Nội vụ nghiên cứu, cân nhắc đảm bảo theo quy
định của pháp luật.
đ) Về đền bù kinh phí
đào tạo
Điểm b khoản 1 Điều 9 dự
thảo quy định việc đền bù kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với học sinh, sinh
viên thực hiện theo quy định tại Nghị định số 143/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013
của Chính phủ quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo.
Tuy nhiên, học sinh được
cử đi đào tạo đại học trong nước để tham gia đào tạo sau đại học ở nước ngoài
theo dự thảo không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định số 143/2013/NĐ-CP. Bên
cạnh đó, ngoài trường hợp chưa chấp hành đủ thời gian làm việc theo quy định mà
tự ý bỏ việc thì các trường hợp đền bù kinh phí đào tạo đối với học sinh, sinh
viên theo dự thảo này không thuộc các trường hợp bồi hoàn chi phí đào tạo tại
Điều 3 Nghị định số 143/2013/NĐ-CP (ví dụ như trường hợp kết quả tốt nghiệp đại
không đạt loại khá; qua 02 lần tham gia tuyển dụng nhưng không trúng tuyển).
Mặt khác, cách tính chi phí bồi hoàn theo quy định tại Điều 5 Nghị định số
143/2013/NĐ-CP cũng chỉ có thể vận dụng được đối với trường hợp người được đào
tạo không chấp hành thời gian cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan,
đơn vị của tỉnh; không thể vận dụng cách tính này đối với các trường hợp đền bù
khác của chính sách này.
e) Về chính sách thu hút
nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài về làm việc tại tỉnh Bình Thuận
- Các tiêu chuẩn, điều
kiện thu hút tại Điều 3 dự thảo chưa rõ ràng và không cụ thể so với điều kiện
được hưởng chính sách thu hút quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số
87/2014/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 2 Nghị định số
27/2020/NĐ-CP. Có thể nói tiêu chuẩn để thu hút chuyên gia nước ngoài, cá nhân
hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài của dự thảo này
tương đối thấp so với tiêu chuẩn mà Nghị định đã quy định.
Mặt khác, khoản 2 Điều 3
Nghị định số 87/2014/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 2 Nghị định
số 27/2020/NĐ-CP cũng đã quy định: “Căn
cứ tình hình thực tiễn và theo đề nghị của cơ quan có nhu cầu sử dụng người
Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và
công nghệ ở Việt Nam, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh thống nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo, xin ý kiến
của Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc áp dụng chính sách thu hút đối
với trường hợp không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này nhưng
chứng minh được khả năng đóng góp có hiệu quả khi tham gia hoạt động khoa học
và công nghệ tại Việt Nam”.
Như vậy, việc áp dụng
chính sách thu hút đối với trường hợp không đáp ứng điều kiện quy định tại
khoản 1 Điều 3 Nghị định số 87/2014/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1
Điều 2 Nghị định số 27/2020/NĐ-CP cần phải có sự thống nhất giữa UBND cấp tỉnh
với Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ xem
xét, quyết định. Do đó, đề nghị Sở Nội vụ nghiên cứu, cân nhắc tham mưu tránh
trùng lắp chính sách, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.
-
Theo ý kiến của đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tại cuộc họp, việc tuyển
chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh sử dụng
ngân sách nhà nước phải thực hiện theo Quy định quản lý và tổ chức thực hiện
nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được ban
hành kèm theo Quyết định số 42/2015/QĐ-UBND ngày 10/9/2015 của UBND tỉnh, được
sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND ngày 19/6/2019. Vì vậy, đề
nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh khoản 3 Điều 11 dự thảo cho phù
hợp.
Ngoài
các nội dung góp ý trên, Ông Nguyễn Quốc Thắng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Chủ
trì cuộc họp giao Phòng Nghiệp vụ 1 tiếp tục nghiên cứu và tham mưu Lãnh đạo Sở
báo cáo thẩm định, gửi Sở Nội vụ chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo trước khi trình
UBND tỉnh xem xét./.
Nguyện Đắc