Kết quả thẩm định dự thảo Quyết định phân công thực hiện thẩm định giá của Nhà nước đối với tài sản công trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Kết
quả thẩm định dự thảo Quyết định phân công thực hiện thẩm định giá của Nhà nước
đối với tài sản công trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Trên cơ sở nghiên cứu hồ
sơ đề nghị thẩm định dự thảo Quyết định phân công
thực hiện thẩm định giá của Nhà nước đối với tài sản công trên địa bàn tỉnh
Bình Thuận do
Sở Tài chính tham mưu soạn thảo; căn cứ các quy định pháp luật có liên quan, Sở
Tư pháp đã có một số ý kiến thẩm định đối với dự thảo Quyết định trên như sau:
Dự thảo Quyết định được xây dựng đảm bảo theo
đúng quy trình xây dựng văn bản theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP của Chính
phủ; thẩm quyền ban hành Quyết định phù hợp với phạm vi nhiệm vụ
Ủy ban nhân dân tỉnh được giao quy định tại điểm b khoản 4 Điều 5 Nghị định số
89/2013/NĐ-CP và thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật năm 2015.
Bên cạnh đó, dự thảo Quyết định còn một số nội dung sau đây cần
được rà soát, chỉnh lý, bổ sung cho chặt chẽ, phù hợp với các quy định hiện
hành của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương:
Phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 và nội dung quy định
tại Điều 3 (phạm vi hoạt động thẩm định giá của Nhà nước) chưa có sự thống
nhất với tên gọi của dự thảo Quyết định. Phạm vi hoạt động thẩm định giá của
Nhà nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đã được quy định tại Điều
44 Luật Giá năm 2012. Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành của Trung ương
không giao Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chi tiết nội dung này. Vì vậy, đề nghị
cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xác định lại phạm vi điều chỉnh của dự thảo phù hợp
với phạm vi nhiệm vụ Ủy ban nhân dân tỉnh được giao trong văn bản quy phạm pháp
luật của cơ quan nhà nước cấp trên; đồng thời chỉnh lý bảo đảm sự thống nhất giữa
phạm vi điều chỉnh với tên gọi của dự thảo nội dung văn bản.
Về đối tượng áp dụng tại Điều 2 dự thảo: Đề nghị rà soát đối tượng áp
dụng là “cơ quan, tổ chức có yêu cầu, đề nghị thẩm định giá” vì trong nội dung
dự thảo đã bỏ quy định khoản 3 Điều 4 Quyết định 06/2017/QĐ-UBND ngày
17/02/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Về phạm vi hoạt động thẩm định giá của
Nhà nước tại Điều 3 dự thảo: Đề
nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, không quy định trong dự thảo các nội dung
không thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, đã được quy định trong Luật
Giá và các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương. Trường hợp cần thiết phải
nêu lại trong văn bản để thuận tiện cho việc áp dụng các điều khoản khác của
Quyết định, đề nghị viện dẫn rõ căn cứ pháp lý; đồng thời diễn đạt nội dung rõ
ràng, đầy đủ theo quy định được viện dẫn đó.
Đối
với nội dung khoản 1 Điều 3 của dự thảo, Sở Tư pháp nhận thấy cơ quan soạn thảo
đã gộp 02 trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 44 Luật Giá thành 01
nhóm là chưa bảo đảm cơ sở pháp lý và làm thu hẹp các trường hợp thuộc phạm vi
hoạt động thẩm định giá của Nhà nước. Đề nghị cần tách bạch 02 trường hợp theo
đúng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 44 Luật Giá.
Ngoài
ra, đối với trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 44 Luật Giá năm 2012: “Mua, bán tài sản nhà nước có
giá trị lớn mà sau khi đã thuê doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan hoặc người
có thẩm quyền phê duyệt thấy cần thiết phải có ý kiến thẩm định của cơ quan nhà
nước có thẩm quyền”, tại bảng tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp
ý, Sở Tài chính giải trình lý do không quy định trong dự thảo Quyết định là do
hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật của trung ương không quy định rõ tài sản
nhà nước có giá trị lớn là bao nhiêu nên không có cơ sở để tham mưu Ủy ban nhân
dân tỉnh quy định. Vấn đề này, Sở Tư pháp không thống nhất với nội dung giải
trình của Sở Tài chính vì phạm vi hoạt động thẩm định giá của Nhà nước phải
tuân thủ đầy đủ các trường hợp theo quy định của Luật Giá, Ủy ban nhân dân tỉnh
không có thẩm quyền quy định bổ sung hoặc quy định khác (hoặc viện dẫn không đầy
đủ nội dung quy định của Luật).
Về phân công thực hiện thẩm định giá của
Nhà nước tại Điều 4 dự thảo:
Dự thảo phân công thực hiện thẩm định giá của Nhà nước
theo 04 nhóm. Trong đó, ngoài Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện
thì còn phân công: “Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị dự toán cấp 1 của
khối tỉnh; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã
hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của khối tỉnh,
đơn vị vũ trang nhân dân đóng trên địa bàn tỉnh” (khoản 3 Điều 4) và “Thủ trưởng các
cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị dự toán cấp 1 của
khối tỉnh; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội
- nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức
xã hội - nghề nghiệp của khối tỉnh, đơn vị vũ trang nhân dân đóng trên địa bàn
tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp
huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã” (khoản 4 Điều 4).
Theo
quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định số 89/2013/NĐ-CP, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá
tài sản theo yêu cầu hoặc đề nghị bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao mua, bán, thanh lý, cho thuê, đi thuê
tài sản nhà nước. Nội dung này đã được Ủy ban
nhân dân tỉnh quy định tại khoản 3 Điều 4 Quyết định 06/2017/QĐ-UBND. Nay, dự
thảo đã bỏ nội dung này và phân công cho Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị
được giao mua, bán, quản lý và sử dụng tài sản công ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp
xã thực hiện thẩm định giá là chưa phù hợp trình tự, thủ tục thẩm định giá của
Nhà nước được quy định tại mục 4 Chương 2 Nghị định số 89/2013/NĐ-CP.
Tại
dự thảo Tờ trình, Sở Tài chính trình bày sự cần thiết ban hành văn bản, có căn
cứ quy định tại khoản 7 Điều 1 Thông tư số 68/2022/TT-BTC ngày 11/11/2022 của Bộ
trưởng Bộ Tài chính (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 11 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016); theo đó, kết quả
thẩm định giá của đơn vị tư vấn thẩm định giá là một trong các căn cứ để xác định
giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, việc căn cứ quy định
trên để xác định sự cần thiết ban hành Quyết định phân công các cơ quan, tổ chức,
đơn vị được giao mua, bán, quản lý và sử dụng tài sản công ở cấp tỉnh, cấp huyện,
cấp xã thực hiện thẩm định giá là chưa phù hợp vì nội dung dự thảo Quyết định
này là hoạt động thẩm định giá của Nhà nước.
Việc
phân công các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao mua, bán, quản lý và sử dụng
tài sản công ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thực hiện thẩm định giá cần phải được
xem xét, đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình thực tế, nguồn lực, điều kiện bảo
đảm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các cấp; tránh tình trạng nhằm
giảm bớt áp lực công việc cho cơ quan tài chính nhưng lại không khả thi, không
bảo đảm khả năng, năng lực thực hiện của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao
nhiệm vụ mua sắm tài sản, gây ảnh hưởng đến tiến độ mua sắm tài sản. Mặt khác,
cũng cần xem xét về tính khách quan khi vừa giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị
mua, bán, thanh lý, cho thuê, đi thuê tài sản đồng thời thực hiện việc thẩm định
giá tài sản.
Vì
vậy, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc việc quy định phân công nhiệm vụ thẩm định
giá cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị như tại Điều 4 dự thảo. Trường hợp cần thiết,
cần nghiên cứu, xác định các tiêu chí để quy định giới hạn phạm vi, nhiệm vụ thẩm
định giá phù hợp với từng loại cơ quan, tổ chức, đơn vị (theo từng cấp hành
chính; theo ngành, lĩnh vực; theo giá trị tài sản…).
Ngoài
ra, Sở Tư pháp đã có ý kiến góp ý một số sai sót về ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo
văn bản để Sở Tài chính hoàn thiện dự thảo trước khi trình Ủy ban nhân
dân tỉnh./.
Phương Đặng