Góp ý dự thảo Quyết định quy định tỷ lệ (%) khoán chi phí quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh
Góp ý dự thảo Quyết định quy định tỷ
lệ (%) khoán chi phí quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
trên địa bàn tỉnh
Vừa qua, Sở
Tài chính đã gửi Công văn số 4070/STC-TTMTSC ngày 26/11/2020 về việc góp ý dự
thảo Quyết định của UBND tỉnh Quy định tỷ lệ (%) khoán chi phí quản lý, xử lý
tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu theo thủ tục hành chính
trên địa bàn tỉnh. Qua nghiên cứu nội dung dự thảo và các quy định pháp luật liên
quan, Sở Tư pháp đã có ý kiến góp ý như sau:
- Tại Điều
2 dự thảo:
Đề nghị
điều chỉnh cụm từ “40% trên giá trị tài
sản bán được” thành “40% số tiền thu
được từ xử lý tài sản” để áp dụng thống nhất và đảm bảo quy định tại khoản
3 Điều 32 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ quy định
trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài
sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
- Tại
khoản 2 Điều 3 dự thảo:
Căn cứ
khoản 3 Điều 32 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP: “Trường
hợp trong quá trình thực hiện xử lý tài sản, chi phí xử lý thực tế vượt quá mức
khoán quy định và có đầy đủ các hồ sơ, chứng từ chứng minh việc chi cho xử lý
tài sản là cần thiết và phù hợp, đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản báo cáo
cơ quan tài chính có thẩm quyền duyệt chi quy định tại Khoản 2 Điều này để xem
xét, quyết định”.
Tuy nhiên,
tại khoản 2 Điều 3 dự thảo quy định: “Trường hợp chi phí khoán trong năm không đủ để thanh toán các khoản chi
phí quản lý, xử lý tang vật (bao gồm cả chi phí tiêu hủy tang vật (trừ trường
hợp tang vật vi phạm bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phải tiêu hủy
theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính) chi phí chuyển giao tang vật,
phương tiện cho các cơ quan, đơn vị để lưu giữ, quản lý hoặc sử dụng) thì khoản
chi phí còn thiếu được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của đơn
vị được giao chủ trì quản lý, xử lý tang vật, phương tiện
vi phạm hành chính bị tịch thu.”
Việc mặc
nhiên quy định khoản chi
phí còn thiếu được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của đơn vị
được giao chủ trì quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính bị tịch thu là chưa
phù hợp với khoản 3 Điều
32 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP vì theo quy định: trường hợp này phải đảm bảo có
đầy đủ các hồ sơ, chứng từ chứng minh việc chi cho xử lý tài sản là cần thiết
và phù hợp để cơ quan tài chính có thẩm quyền duyệt chi xem xét, quyết định. Vì
vậy, đề nghị Sở Tài chính nghiên cứu quy định nội dung này đảm bảo đủ ý, phù
hợp với quy định của Nghị định số 29/2018/NĐ-CP.
Ngoài ra, Sở Tư pháp đã góp ý thêm một số sai sót về ngôn ngữ, kỹ thuật
soạn thảo văn bản để Tài chính nghiên cứu, tổng hợp và hoàn chỉnh dự thảo trước
khi gửi đến Sở Tư pháp thẩm định.
Nguyện Đắc