Góp ý dự thảo Quyết định ban hành Quy định mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với từng loại vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 797

Góp ý dự thảo Quyết định ban hành Quy định mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với từng loại vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh

 

Vừa qua, theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 1521/STNMT-TTr ngày 13/4/2023 về việc góp ý dự thảo Quyết định ban hành Quy định mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với từng loại vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; qua nghiên cứu hồ sơ dự thảo, Sở Tư pháp đã có Công văn số 870/STP-NV1 ngày 24/5/2023 góp ý một số vấn đề sau:

- Đối với nội dung định nghĩa về tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, Sở Tư pháp nhận thấy nội dung khoản 1 Điều 3 chưa bao quát hết các yếu tố, đặc điểm liên quan đến tình trạng ban đầu của đất, như về loại đất, mục đích sử dụng đất (theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt)... Ngoài ra, cần xem xét tính hợp lý khi xác định tình trạng ban đầu của đất là “tình trạng xây dựng công trình trên đất”; “tình trạng gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác” vì đây là các tình trạng khi đã có hành vi vi phạm hành chính về đất đai.

Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, giải trình rõ cơ sở pháp lý (hoặc cơ sở khoa học và thực tiễn) để đưa ra định nghĩa tại khoản 1 Điều 3, bảo đảm nội dung định nghĩa là có cơ sở, chính xác, rõ ràng, đầy đủ.

- Đối với các căn cứ để xác định tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm: Đề nghị nghiên cứu thêm Điều 11 Luật Đất đai năm 2013 (Căn cứ để xác định loại đất) để bổ sung quy định cho đầy đủ, chặt chẽ, nhất là các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất làm căn cứ xác định loại đất.

Ngoài ra, đề nghị nêu rõ căn cứ pháp lý để quy định trách nhiệm: “Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm xác định tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm”. Trường hợp việc quy định trách nhiệm nêu trên của Ủy ban nhân dân cấp xã là cần thiết, có căn cứ pháp lý thì cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, quy định rõ cách thức Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận (bằng hình thức gì, tại thời điểm nào trong quy trình xử phạt vi phạm hành chính?).

- Về mức độ, biện pháp khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất: Tại khoản 1 Điều 4 dự thảo quy định có 03 mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất, gồm: Khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất; khôi phục lại tình trạng của đất để giữ mục đích sử dụng đất; giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất như tại thời điểm phát hiện vi phạm. Đồng thời, tại khoản 2 và khoản 3 Điều 4 quy định các biện pháp thực hiện tương ứng đối với 02 mức độ: Khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất; khôi phục lại tình trạng của đất để giữ mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, Sở Tư pháp nhận thấy, dự thảo quy định còn rất chung, chưa thể hiện rõ được sự khác nhau giữa hai mức độ nêu trên và về cơ bản thì 02 mức độ trên có sự trùng lặp nội dung, biện pháp thực hiện.

Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ để đề xuất quy định các mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm bảo đảm tính hợp lý, cụ thể, rõ ràng hơn và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, gắn với các hành vi vi phạm được quy định từ Điều 9 đến Điều 16 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ).

- Về mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với từng loại vi phạm (từ Điều 5 - Điều 8 dự thảo): Trên cơ sở quy định rõ các nhóm mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, đối với từng hành vi vi phạm cần quy định cụ thể, chi tiết mức độ, biện pháp phải thực hiện việc khôi phục để áp dụng thuận lợi và thống nhất; không quy định chung chung như dự thảo.

- Đối với các trường hợp gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều 8 dự thảo; nếu không quy định mức độ khôi phục khác nhau tương ứng với từng trường hợp thì đề nghị không cần quy định lặp lại như dự thảo vì các trường hợp này đã được quy định cụ thể tại Điều 16 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP. 1.6.

- Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, quy định đầy đủ, rõ ràng, phù hợp trách nhiệm của từng cơ quan có liên quan; đồng thời sử dụng từ ngữ phù hợp văn phong của văn bản quy phạm pháp luật, không sử dụng các từ ngữ mang tính chất chỉ đạo hoặc định tính như “tốt”, “tăng cường”… tại Điều 9 dự thảo.

- Ngoài ra, Sở Tư pháp đã góp ý một số sai sót về ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản để cơ quan soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo trước khi gửi đến Sở Tư pháp thẩm định./.

Tuấn Anh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP

Thành phần của Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận
Địa chỉ: 06 Nguyễn Tất Thành, phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Điện Thoại: (0252) 3.822.889 - Fax: (0252) 3.821.697
Email: stp@binhthuan.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang