Góp ý đối với dự thảo Quyết định ban hành Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh
Góp ý đối
với dự thảo Quyết định ban hành Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt
trên địa bàn tỉnh
Theo đề nghị của Sở Tài
nguyên và Môi trường, ngày 13/5/2024, Sở Tư pháp đã có Công văn số 789/STP-NV1 góp
ý đối với dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành Quy định về quản lý chất
thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Theo đó, có ý kiến như sau:
1. Sở Tài nguyên và Môi
trường chưa tham mưu UBND tỉnh quy định đầy đủ các nhiệm vụ được giao tại Luật
Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng như các nhiệm vụ được giao tại Danh mục kèm
theo Quyết định số 1166/QĐ-UBND ngày 14/5/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc
ban hành Danh mục quyết định quy phạm pháp luật của UBND tỉnh quy định chi tiết
các nội dung được giao trong luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp
thứ 10. Vì vậy, Sở Tư pháp đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, căn
cứ các nhiệm vụ được giao quy định chi tiết trong Luật Bảo vệ môi trường năm
2020 để tham mưu soạn thảo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định đầy đủ,
cụ thể; trường hợp chưa tham mưu quy định đầy đủ các nội dung trong dự thảo này
thì có giải trình rõ và xác định phạm vi điều chỉnh của văn bản cho phù hợp,
thống nhất với các nội dung quy định chi tiết trong văn bản.
2. Đối với một số nội
dung của dự thảo:
- Về nguyên tắc quản lý chất thải rắn sinh hoạt (Điều 4 dự thảo Quy
định):
Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các quy định về nguyên tắc quản lý
chất thải rắn sinh hoạt trong các văn bản pháp luật hiện hành; trên cơ sở đó
tham mưu quy định về nguyên tắc quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn
tỉnh bảo đảm rõ ràng, cụ thể, phù hợp tình hình thực tế của địa phương (nếu cần
thiết) nhưng không lặp lại các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của
Trung ương (chẳng hạn nguyên tắc tại khoản 6 Điều 4 dự thảo đã được quy định
tương ứng tại Điều 58 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ
quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường).
- Việc quy định chung về yêu cầu kỹ thuật đối
với bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt và việc lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt đã phân loại (bao gồm chất thải
nguy hại phát sinh từ hoạt động sinh hoạt) tại Điều 6 dự thảo là chưa phù
hợp. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh quy định về yêu cầu kỹ
thuật đối với bao bì, việc lưu giữ chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động
sinh hoạt hàng ngày của hộ gia đình, cá nhân để đảm bảo an toàn về môi trường
trên thực tế, đáp ứng về yêu cầu kỹ thuật theo quy định pháp luật hiện hành.
- Về giá dịch vụ và chính sách ưu đãi về thu gom, vận chuyển, xử lý chất
thải rắn sinh hoạt (Điều 14 và Điều 18 dự thảo Quy định):
+ Điều 14 dự thảo quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý
chất thải rắn sinh hoạt nhưng chưa định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý
chất thải rắn sinh hoạt theo quy định pháp luật về giá.
Bên cạnh đó, theo dự thảo, đối tượng được quy định tại khoản 3 Điều 14
phải chi trả theo hai loại giá (giá dịch vụ theo hợp đồng dịch vụ và theo quy
định của UBND tỉnh) là không phù hợp.
+ Điều 18 dự thảo quy định về chính sách, ưu đãi thu gom, vận chuyển và
xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhưng chưa quy định cụ thể về chính sách này mà
dẫn chiếu đến “quyết định của Ủy ban nhân
dân tỉnh” là chưa rõ ràng, cụ thể.
- Một số nội dung trong dự thảo Quy định mang tính chất lựa chọn, như:
điểm a, điểm đ khoản 1 Điều 8; điểm a, điểm d khoản 2 Điều 8; khoản 1 Điều 14;
… Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát về tính hợp lý, khả thi của các quy định
trên, bảo đảm sự thống nhất, tránh vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.
- Khoản 1 Điều 17 giao UBND cấp huyện, UBND cấp xã quy định cụ thể đối
với hoạt động quét, thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên đường, khu vực công
cộng. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh quy
định phù hợp, tránh việc ủy quyền lập quy hoặc phân cấp trái với thẩm quyền ban
hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND cấp xã theo quy định tại khoản 2 Điều
11 và Điều 30 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Ngoài
ra, Sở Tư pháp đã góp ý thêm một số sai sót về ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn
bản để Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tổng hợp./.
Nguyện Đắc