Tình hình tổ chức, hoạt động giám định tư pháp năm 2022
Thực hiện theo ý kiến
chỉ đạo tại Công văn số 46-CV/BCS ngày 18/4/2022 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về
cung cấp nội dung kiểm tra năm 2022, giám sát việc thực hiện các quy định pháp
luật về giám định tư pháp tại một số cơ quan thuộc UBND tỉnh; theo đó Ban Cán
sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp tiến hành giám sát công tác giám định tư
pháp tại các cơ quan, đơn vị gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây
dựng, Trung tâm pháp y (Sở Y tế), Phòng kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh).
Trên cơ sở tổng hợp kết
quả báo cáo về tình hình tổ chức, hoạt động giám định tư pháp của 07/07 cơ
quan, đơn vị gửi về, Sở Tư pháp đã có Báo cáo số 241/BC-STP ngày 28/10/2022 về
kết quả về tình hình tổ chức, hoạt động công tác giám định tư pháp trên địa bàn
tỉnh; cụ thể như sau:
Hiện nay, toàn tỉnh có
125 giám định viên tư pháp. Giám định tư pháp theo vụ việc có 11 người ở 04
lĩnh vực gồm: Văn hóa, kế hoạch đầu tư, khoa học công nghệ và công thương. Có 02 tổ chức giám
định tư pháp
công lập và 01 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.
Tổng số vụ việc trưng
cầu giám định trong kỳ báo cáo (từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/8/2022) là 4.152
việc; trong đó đã thực hiện 4.130 vụ việc; từ chối 22 vụ việc; không có trường
hợp thực hiện giám định lại.
Nhìn chung, các cơ
quan chuyên môn của tỉnh luôn có sự phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp trong việc
quản lý về tổ chức, hoạt động và chuyên môn nghiệp vụ; lựa chọn người đề nghị
bổ nhiệm giám định viên, tạo điều kiện thuận lợi cho các giám định viên được bồi
dưỡng chuyên môn nghệp vụ, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của hoạt động
giám định tư pháp; phối hợp với Sở Tư pháp lập danh sách giám định viên của
ngành, trình UBND tỉnh công bố theo quy định. Bộ máy của các tổ chức
giám định tư pháp công lập đã được quan tâm, bố trí nhân lực để bảo đảm hoàn
thành nhiệm vụ trước yêu cầu ngày càng cao của cải cách tư pháp
Bên cạnh một số kết quả
đạt được, hoạt động giám định tư pháp còn một số tồn tại, hạn chế như: Số
lượng giám định viên ở một số Sở, ngành còn thiếu, chưa đáp ứng kịp thời hoạt
động giám định tại địa phương; các cơ quan tố tụng khi gửi hồ sơ trưng cầu giám
định tư pháp thường thiếu thông tin, cung cấp không đầy đủ hồ sơ theo quy định
của Luật giám định tư pháp; phần lớn đội ngũ người giám định tư pháp chưa được
đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về giám định tư pháp, nên có một số trường hợp vượt quá khả năng giám định
của giám định viên; trách nhiệm của thủ trưởng các Sở, ngành có công tác
giám định tư pháp chưa quan tâm chỉ đạo sâu sát công tác giám định tư pháp theo
đúng quy định của Luật Giám định tư pháp; cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên
dụng phục vụ công tác giám định trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự còn thiếu; một
số quy định của pháp luật về giám định tư pháp còn bất cập, chưa phù hợp với
thực tế; …
Để hoạt động giám định
tư pháp ngày càng hiệu quả, Sở Tư pháp đã đề xuất, kiến nghị các Bộ, ngành
Trung ương, UBND tỉnh và các Sở, ngành chuyên môn có hoạt động giám định một số
giải pháp trong thời gian đến.
Về phía Sở Tư pháp, sẽ tiếp
tục tăng cường công tác quản lý giám định tư pháp và đội ngũ giám định viên tư
pháp; kịp thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan giải
quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp khi có yêu
cầu, nhất là trong công tác phối hợp thực hiện; phối hợp với các sở, ngành có
giám định tư pháp tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, nâng cao trình
độ, năng lực, kiến thức pháp luật và kỹ năng cho đội ngũ giám định tư pháp đảm
bảo đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới./.
Mỹ Oanh