Một số điểm mới của Luật sửa đổi bổ dung một số điều của Luật Giám định tư pháp
Một số điểm mới của Luật sửa đổi bổ dung một số
điều của Luật Giám định tư pháp
Sau hơn 7 năm thi hành Luật giám định tư pháp,
công tác giám định tư pháp đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, Luật này cũng
đã bộc lộ nhiều bất cập trước những yêu cầu mới của đời sống xã hội, của hoạt động
tố tụng. Trước yêu cầu thực tiễn của công tác giám định tư pháp và đặc biệt để
đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới, Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp đã được Quốc hội khóa XIV
thông qua ngày 10 tháng 6 năm 2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày
01/1/2021.
Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật năm
2012 là nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp, phù hợp với tinh
thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải
cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung
ương về phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám
định tư pháp, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng
nói chung và trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế nói riêng.
Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định của
Luật năm 2012 về phạm vi giám định tư pháp; nguyên tắc thực hiện giám định; hồ
sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp gắn
với cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; quyền và nghĩa vụ của giám định
viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc; tổ chức giám định tư pháp
công lập; điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp; công nhận và đăng tải
danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; quyền và nghĩa vụ của
người trưng cầu giám định; quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp khi thực
hiện giám định; quyền và nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định;
trưng cầu giám định; thời hạn giám định; văn bản ghi nhận quá trình thực hiện
giám định; kết luận giám định; hồ sơ giám định; chi phí giám định; nhiệm vụ,
quyền hạn của các cơ quan quản lý (Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) đối với công tác giám
định tư pháp; trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối
cao đối với công tác giám định tư pháp; hiệu lực thi hành.
Với tính chất đặc thù và thực tiễn công tác giám
định tư pháp cho thấy, việc triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật giám định tư pháp đặt ra cho địa phương nhiều nhiệm vụ và giải
pháp để bảo đảm triển khai có hiệu quả Luật này. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp sẽ
tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức triển khai nghiêm túc những nội dung công việc
đã được Thủ tướng Chính phủ giao, nhất là các nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện và
trọng tâm như phổ biến, quán triệt về nội dung của Luật, tạo nhận thức đầy đủ,
thống nhất, thông suốt./.
Mỹ
Oanh