Quy định pháp luật về trưng cầu giám định trong tố tụng hình sự
Lượt xem: 15061

Quy định pháp luật về trưng cầu giám định trong tố tụng hình sự

 

Trưng cầu giám định là biện pháp điều tra trong quá trình thu thập chứng cứ để giải quyết vụ việc, vụ án hình sự. Trưng cầu giám định được tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định nhằm thu thập, củng cố, kiểm tra, đánh giá, xác lập chứng cứ, phục vụ điều tra, xử lý vụ án hình sự. Theo Điều 205 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định. Các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định bao gồm: Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án. Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó. Nguyên nhân chết người. Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động. Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ. Mức độ ô nhiễm môi trường.

Về nội dung quyết định trưng cầu giám định, theo khoản 2 Điều 205 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định quyết định trưng cầu giám định có các nội dung sau: Tên cơ quan trưng cầu giám định; họ tên người có thẩm quyền trưng cầu giám định; tên tổ chức; họ tên người được trưng cầu giám định; tên và đặc điểm của đối tượng cần giám định; tên tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có); nội dung yêu cầu giám định; ngày, tháng, năm trưng cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định.

Về quyền được yêu cầu giám định, theo Điều 207 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định. Trường hợp không chấp nhận đề nghị thì thông báo cho người đã đề nghị giám định biết bằng văn bản và nêu rõ lý do. Hết thời hạn này hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì người đề nghị giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định. Người yêu cầu giám định có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật giám định tư pháp.

Về thời hạn giám định căn cứ theo Điều 208 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cụ thể: Thời hạn giám định đối với trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định là không quá 03 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015; không quá 01 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 6 Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015; không quá 09 ngày đối với trường hợp quy định tại các khoản 2, 4 và 5 Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Trường hợp việc giám định không thể tiến hành trong thời hạn quy định nêu trên thì tổ chức, cá nhân tiến hành giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan trưng cầu, người yêu cầu giám định./.

Hải Lam Tường

Tin khác
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP

Thành phần của Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận
Địa chỉ: 06 Nguyễn Tất Thành, phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Điện Thoại: (0252) 3.822.889 - Fax: (0252) 3.821.697
Email: stp@binhthuan.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang