Ban hành Quy chế phối hợp trong hoạt động Giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Lượt xem: 3160

Ban hành Quy chế phối hợp trong hoạt động Giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

 

Vừa qua, ngày 04/9/2020 UBND tỉnh đã có Quyết định số 2175/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý Nhà nước về công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Theo đó, việc ban hành Quy chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; tăng cường cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan quản lý Nhà nước về giám định tư pháp. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trưng cầu giám định với cơ quan, tổ chức được trưng cầu và thực hiện giám định góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc tư pháp trong hoạt động tố tụng. Ngoài ra, nhằm phân định trách nhiệm giữa các cơ quan trong hoạt động giám định tư pháp; đảm bảo trả lời kết luận giám định đúng thời gian của cơ quan trưng cầu phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Quy chế phối hợp gồm 4 chương và 18 điều, quy định về 7 nội dung phối hợp trong công tác giám định tư pháp, bao gồm: (1) Củng cố, kiện toàn đội ngũ giám định tư pháp; bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương; lựa chọn, lập danh sách trình UBND tỉnh công bố danh sách người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. (2) Việc cấp phép thành lập, hoạt động và các nội dung liên quan đến việc thành lập, thay đổi, bổ sung hoạt động Văn phòng giám định tư pháp. (3) Thực hiện hoạt động giám định tư pháp. (4) Đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí và các điều kiện cần thiết khác cho tổ chức giám định tư pháp công lập. (5) Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho đội ngũ giám định tư pháp. (6) Kiểm tra, thanh tra, khen thưởng và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực giám định tư pháp. (7) Báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu.

Trong đó, nội dung phối hợp trong hoạt động giám định tư pháp được quy định cụ thể như sau:

- Giám định viên tư pháp, tổ chức giám định tư pháp có trách nhiệm: Thực hiện quyền và nghĩa vụ theo đúng quy định của pháp luật về giám định tư pháp; Phối hợp chặt chẽ với người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định trong quá trình thực hiện giám định. Khi có phát sinh khó khăn, vướng mắc chủ động liên hệ với người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định để giải quyết; Báo cáo với người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các văn bản pháp luật về giám định tư pháp.

- Người trưng cầu giám định, yêu cầu giám định: Người trưng cầu giám định có trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ theo đúng quy định của pháp luật về giám định tư pháp. Phối hợp chặt chẽ với người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp trong quá trình thực hiện giám định; khi có khó khăn, vướng mắc phải giải quyết kịp thời. Trường hợp đặc biệt báo cáo ngay với Thủ trưởng cơ quan (đối với cơ quan tiến hành tố tụng) hoặc Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp; Người yêu cầu giám định có trách nhiệm: thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp. Phối hợp chặt chẽ với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trong quá trình thực hiện việc giám định.

- Cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp: Tạo điều kiện và trang bị cơ sở vật chất cho giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý để thực hiện việc giám định khi có yêu cầu; Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình hỗ trợ các giám định viên, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực ngành quản lý khi có khó khăn, vướng mắc phát sinh; Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về giám định tư pháp của ngành, lĩnh vực quản lý gửi về Sở Tư pháp để báo cáo UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tư pháp; Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tiến hành tố tụng với các tổ chức giám định tư pháp cũng như với các giám định viên tư pháp của ngành, lĩnh vực quản lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

- Sở Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn, giải đáp kịp thời những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện pháp luật về giám định tư pháp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu; trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tư pháp hoặc các cơ quan có liên quan xem xét.

Nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan là phải bảo đảm thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; đảm bảo hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, quy chuẩn chuyên môn. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được trưng cầu và thực hiện giám định có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, theo trình tự, thủ tục chặt chẽ đảm bảo hoạt động giám định tư pháp được thực hiện chính xác, khách quan, đúng quy định. Công tác phối hợp được thực hiện thường xuyên, trao đổi kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao.

Quyết định số 2175/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý Nhà nước về công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/9/2020.

Đặng Văn Đào

Tin khác
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP

Thành phần của Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận
Địa chỉ: 06 Nguyễn Tất Thành, phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Điện Thoại: (0252) 3.822.889 - Fax: (0252) 3.821.697
Email: stp@binhthuan.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang