Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp
Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Giám định tư pháp
Thực hiện Chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, ngày
10/6/2020 Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám
định tư pháp. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp
(GĐTP) được 449 đại biểu tán thành, tương đương 92,96% tổng số đại biểu Quốc
hội. Trước đó, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua 03 điều trong dự
án Luật gồm: Điều 12, 25, 26A với tỷ lệ tán thành cao. Luật Sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật GĐTP sửa đổi, bổ sung 26 điều, chỉnh lý kỹ thuật 03 điều
và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GĐTP trình Quốc hội biểu quyết thông qua,
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: Nhiều ý kiến tán thành việc bổ
sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân
tối cao” tại Điều 12 dự thảo Luật, bên cạnh đó một số ý kiến đề nghị giữ quy
định Điều 12 như Luật hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho
tiếp thu theo đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Theo đó, bổ sung “Phòng
giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” là tổ chức
GĐTP công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh
từ các dữ liệu điện tử (tại khoản 4 và khoản 5 Điều 12 dự thảo Luật). Vấn
đề này đã được cân nhắc kỹ trên cơ sở thực tiễn hoạt động tố tụng, nhằm đáp ứng
yêu cầu công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng, tội phạm xâm phạm hoạt
động tư pháp. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ
Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý các nội dung liên quan tại khoản 2 Điều 9, khoản 3
Điều 10, khoản 7 Điều 12 và khoản 6 Điều 44 của dự thảo Luật.
Về trưng cầu giám định trong trường hợp cần có sự phối hợp
giữa nhiều cơ quan, tổ chức giám định (Điều 25), có ý kiến tán thành với quy
định tại khoản 4 Điều 25 về giao trách nhiệm cho một cơ quan, tổ chức chuyên
môn về GĐTP chủ trì việc thực hiện giám định, có ý kiến đề nghị chỉnh lý giao
trách nhiệm này cho người trưng cầu GĐTP. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy,
GĐTP là hoạt động chuyên môn, khoa học, do đó quá trình tiến hành giám định
phải do chính cơ quan, tổ chức chuyên môn trong lĩnh vực GĐTP thực hiện. Nếu
giao cho cơ quan trưng cầu giám định (cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng)
chủ trì, phối hợp việc thực hiện GĐTP sẽ không bảo đảm tính độc lập, khách quan
và không phù hợp với tính chất của hoạt động này. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ
Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về giao trách nhiệm cho một trong
các cơ quan, tổ chức thực hiện GĐTP làm đầu mối tổ chức việc giám định như dự
thảo Luật.
Về thời hạn giám định (Điều 26a), có ý kiến cho rằng thời
hạn giám định quy định tại khoản 3 (thời hạn tối đa 03 tháng, trường hợp đặc
biệt là 04 tháng) chưa rõ ràng, cần quy định cụ thể để bảo đảm sự thống nhất.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đối với trường hợp giám định theo vụ việc
thì ở từng lĩnh vực giám định như: Đầu tư, tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao
thông, khoa học và công nghệ... do quy chuẩn chuyên môn và quy trình thực hiện
hoàn toàn khác nhau nên thời hạn giám định cũng không thể giống nhau. Để
bảo đảm tính khả thi, Luật GĐTP chỉ quy định thời hạn tối đa, còn thời hạn ở
từng lĩnh vực chuyên môn được giao cho bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực
quy định cụ thể. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ quy định
thời hạn GĐTP như dự thảo Luật./.
Hải
Lam Tường