Chia thừa kế quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Lượt xem: 6991

Chia thừa kế quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

 

Câu hỏi:

Vợ tôi mới mất không để lại di chúc. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng tôi có mua 3 mảnh đất. Vợ chồng tôi có 2 người con, con gái lớn đã lập gia đình và ở nhà chồng, con trai tôi đang học Đại học. Tôi được biết trường hợp gia đình tôi sẽ chia thừa kế theo quy định của pháp luật vì vợ tôi chết không để lại di chúc. Do chưa hiểu rõ về chia thừa kế theo pháp luật như thế nào, đề nghị tư vấn cho tôi để hiểu rõ hơn?

Trả lời:

Trên thực tế, việc chia thừa kế tương đối phức tạp, theo đó cần phải xác định xem trường hợp đó sẽ chia thừa kế theo pháp luật hay chia thừa kế theo di chúc (nếu người có tài sản thừa kế có di chúc), những ai là người được hưởng tài sản thừa kế và tài sản chia thừa kế là loại tài sản gì. Ngoài ra, trường hợp tài sản để thừa kế là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân thì cần phải xác định tài sản đó có phải là tài sản chung vợ chồng hay không? Cụ thể:

Thứ nhất, trường hợp chia thừa kế theo pháp luật hoặc chia thừa kế theo di chúc

Pháp luật quy định, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; và hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Về nguyên tắc, việc chia di sản thừa kế phải chia theo di chúc và có thể chia thừa kế theo pháp luật nếu (1) người mất không để lại di chúc, hoặc có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp; (2) cá nhân thừa kế theo di chúc chết trước/cùng thời điểm với người lập di chúc, hoặc cơ quan, tổ chức không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; (3) người thừa kế theo di chúc không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Tại Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Di chúc hợp pháp là di chúc đáp ứng được các điều kiện sau: “a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép; b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật”.

Về mặt hình thức của di chúc, pháp luật hiện hành quy định di chúc phải được lập thành văn bản, có thể công chứng, chứng thực hoặc không. Nếu di chúc bằng văn bản không có người làm chứng thì người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc; trường hợp có người làm chứng thì người làm chứng phải cùng xác nhận chữ ký của người lập di chúc và ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc.

Ngoài ra, người lập di chúc có thể lập di chúc miệng nếu hoàn cảnh tính mạng bị cái chết đe dọa không thể lập di chúc bằng văn bản, tuy nhiên, phải có ít nhất 02 người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên và hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Về người làm chứng, hoặc công chứng viên công chứng, chứng thực di chúc không được là người thừa kế; người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc; và người làm chứng phải là người có đủ năng lực hành vi dân sự, có khả năng nhận thức, và làm chủ hành vi.

Nếu trường hợp chia thừa kế theo pháp luật, cần lưu ý về hàng thừa kế, cụ thể quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Thứ hai, chia thừa kế đối với tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân

Theo quy định của pháp luật tại Điều 59 và Điều 62 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng, theo đó, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác thì được áp dụng theo thỏa thuận đó.

Đối với tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất của vợ chồng được tách ra và chia theo quy định của pháp luật về thừa kế, việc phân chia tài sản sẽ được chia bằng hiện vật. Tuy nhiên, đối với tài sản là bất động sản, các bên có thể tự thỏa thuận chia tài sản theo giá trị, bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật phải thanh toán cho những người còn lại phần giá trị tài sản mà họ được hưởng.

Theo như thông tin anh cung cấp: “vợ chồng anh cùng nhau mua 03 mảnh đất” nhưng anh không nói rõ là tài chung hay tài riêng của vợ chồng; do đó, xin được chia thành 02 trường hợp như sau:

Trường hợp thứ nhất, 03 mảnh đất là tài sản chung của vợ chồng anh, khi đó, mỗi người sẽ có quyền sử dụng đối với ½ tổng số diện tích của 03 mảnh đất. Do vợ anh mất không để lại di chúc, nên đối với ½ diện tích đất thuộc quyền sử dụng của vợ anh sẽ được chia thừa kế theo pháp luật có nghĩa là chia đều cho anh và 02 người con (thuộc hàng thừa kế thứ nhất), mỗi người 1/3 phần diện tích đất thuộc quyền sử dụng của vợ anh.

Trường hợp thứ hai, anh và vợ anh có thỏa thuận về mảnh đất nào là tài sản riêng của mỗi người. Khi đó, phần diện tích đất là tài sản riêng của vợ anh cũng sẽ được chia thừa kế theo quy định của pháp luật – tức là chia đều làm 03 phần cho anh và 02 người con.

Hoàng Sơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP

Thành phần của Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận
Địa chỉ: 06 Nguyễn Tất Thành, phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Điện Thoại: (0252) 3.822.889 - Fax: (0252) 3.821.697
Email: stp@binhthuan.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang