Hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí phục vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và
quyết toán kinh phí phục vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ngày 29/7/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số
64/2021/TT-BTC hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí
ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2021 và thay thế
Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12/10/2010 của Bộ
trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý,
sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ
pháp lý cho doanh nghiệp.
Đây là cơ sở pháp lý cho các đơn vị quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức đại diện
cho doanh nghiệp có liên quan thực hiện lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết
toán kinh phí ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh
nghiệp nhỏ và vừa, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Hiện nay, rất
nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản
xuất, kinh doanh nên rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước, trong đó hỗ trợ pháp
lý cho doanh nghiệp được đánh giá là hình thức hỗ trợ quan trọng với 07 hình thức hỗ trợ của Nhà nước được quy định trong Luật
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017. Thông tư số 64/2021/TT-BTC xác định
nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bao
gồm: Nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách nhà nước; nguồn
kinh phí tài trợ, hỗ trợ, đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong
và ngoài nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo
quy định của pháp luật; nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp
luật.
Các nội dung và mức chi chung phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp
lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức
chi thực hiện theo quy định hiện hành, gồm: Kinh phí tổ chức các hội nghị
chuyên môn, hội nghị sơ kết và tổng kết; hội nghị tập huấn; công tác phí trong
nước; đi công tác nước ngoài; chi dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng nước
ngoài và ngược lại; chi làm đêm, thêm giờ phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho
doanh nghiệp nhỏ và vừa; chi hoạt động kiểm tra, giám sát.
Ngoài các nội dung chi nêu trên, Thông tư cũng quy định một số nội dung và mức chi cụ thể như: Chi xây
dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng các dữ liệu, cơ sở dữ
liệu phục vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chi hoạt động cung cấp
thông tin pháp luật trong nước, thông tin pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc
tế, cảnh báo rủi ro pháp lý và chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương liên
quan đến lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa; chi tổ chức các hoạt
động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tư vấn viên pháp
luật; cho các đối tượng của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương làm công tác
hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chi tổ chức đối thoại, diễn đàn tư
vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chi mua các ấn phẩm, sách, tài liệu
tuyên truyền phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chi
xây dựng và thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa./.
Hải
Lam Phương