Kết quả đánh giá, công nhận, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2022
Kết quả đánh giá, công nhận, xây dựng
xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2022
Ngày 08/02/2023, Sở Tư pháp
ban hành Báo cáo số 20/BC-STP về kết quả đánh
giá, công nhận, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên
địa bàn tỉnh năm 2022. Theo đó, Sở Tư pháp đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban
hành Kế hoạch số 4544/KH-UBND, ngày 26/11/2021 triển khai thực
hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy
định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh;
Thông tư số 09/2021/TT-BTP, ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn
thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và chủ động triển khai trong toàn ngành
các nội dung có liên quan đến xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Qua công tác tham mưu chỉ đạo
triển khai xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với Chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 để hướng dẫn, tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh; kịp
thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng cấp xã đạt
chuẩn tiếp cận pháp luật. Để việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận
pháp luật đảm bảo thực chất, đúng trình tự và thời hạn quy định, Sở Tư pháp đã
ban hành các văn
bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tăng cường quản lý công tác xây dựng xã,
phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đề nghị địa phương tổng hợp,
thẩm định hồ sơ và gửi kết quả về Sở Tư pháp đúng thời hạn quy định.
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và trên cơ
sở các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022, Sở Tư pháp kiểm tra việc thực hiện nhiệm
vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022 đối với tiểu tiêu chí 18.4
về hệ thống chính trị thì “Xã phải đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định”;
cụ thể: Kiểm
tra 05 tiêu
chí, bao gồm 20 chỉ tiêu quy định tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg. Qua kiểm tra thì hầu hết các hồ sơ đề nghị xem xét công nhận cấp
xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 tương đối đầy đủ, đúng quy định
và UBND tỉnh sẽ công nhận 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm
2022. Kết quả thực hiện trên địa bàn tỉnh đến năm 2022 có 71/93 xã được công
nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 76,3% tổng số xã; có 05 xã đạt chuẩn nông
thôn mới nâng cao. Tiếp tục duy trì 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Phú Quý và huyện Đức Linh).
Kết quả đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm
2022 tại 10 huyện, thị xã, thành phố với 124 xã, phường, thị trấn trên địa bàn
tỉnh như sau: Số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: 114/124 (đạt
tỷ lệ 91,9%); Số xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: 10/124
(chiếm tỷ lệ 8,1%). Trong tổng số 124 xã, phường, thị trấn (gồm có 93 xã và 31
phường, thị trấn): Đối với 93 xã thì có 86 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt
tỷ lệ 92,4% và 07 xã không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tỷ lệ 7,6%; Đối với 31
phường, thị trấn, có 28 đơn vị đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chiếm tỷ lệ 90,3%
và 03 thị trấn không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chiếm tỷ lệ 9,7%.
Trong năm 2022, việc triển khai đánh giá xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp
cận pháp luật đã được UBND tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các tiêu chí, chỉ
tiêu theo quy định tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và hướng dẫn của Thông
tư số 09/2021/TT-BTP; việc đánh giá năm 2022
thực hiện đúng thời gian quy định, thẩm định kỹ và đúng yêu cầu. Năm 2022, tỷ lệ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
tăng so với năm 2021 (91,9% so với 88,7%) là do điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
tại khoản 3 Điều 4 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định“Trong
năm đánh giá, không có cán bộ, công chức
là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền
xã, phường, thị trấn bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong
thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”
đã giới hạn đối tượng bị điều chỉnh so với quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 6
Quyết định số 619/QĐ-TTg “Trong năm không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử
lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực
thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật
gây ra”. Trong năm, có 05/10 huyện, thị xã, thành phố đánh giá, công nhận
100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đây là tín hiệu tích
cực của công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn
tỉnh; các chỉ tiêu, tiên chí tiếp cận pháp luật ở cơ sở đã được cán bộ, công
chức, viên chức, người lao động và Nhân dân quan tâm, triển khai thực hiện
nghiêm túc.
Bên cạnh đó, vẫn còn xã, phường, thị trấn việc triển
khai thực hiện công tác này còn bị động, nhất là khâu tổng hợp hồ sơ, văn bản
kiểm chứng để đánh giá việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu; việc phối hợp giữa công
chức Tư pháp với các bộ phận có liên quan trong việc thực hiện công tác đánh
giá chuẩn tiếp cận pháp luật chưa cụ thể, do đó có lúng túng khi tiến hành chấm
điểm. Một số
thành viên Hội đồng Đánh giá chuẩn tiếp
cận pháp luật cấp huyện còn chưa quan tâm, thẩm định chưa sâu kỹ các tiêu chí, chỉ tiêu chuẩn tiếp cận pháp luật... Nguồn lực dành cho thực hiện nhiệm vụ xây
dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vẫn còn hạn chế, nhất là kinh phí. Nhiều địa phương chưa được bố trí kinh phí riêng mà chủ yếu sử dụng kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật để thực hiện nhiệm vụ này. Trình độ, năng lực của cán bộ, công chức phụ trách công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở một số địa phương chưa đồng đều và chưa đáp ứng được yêu cầu.
Giải pháp thực hiện trong năm 2023: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đúng quy định
về quy trình đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, căn cứ
vào mốc thời gian để đánh giá, công nhận phù hợp với quy định; tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân
lực đảm bảo tham mưu cho UBND cùng cấp trong công tác chỉ đạo, xây dựng và đánh
giá chuẩn tiếp cận pháp luật theo thẩm quyền; nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ
đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa
các cơ quan, đơn vị và phân công trách nhiệm cụ thể cho cán bộ, công chức trong
việc tham mưu thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu và cải thiện điều kiện tiếp cận
pháp luật của người dân; Sở, ngành cấp tỉnh và UBND
cấp huyện, cấp xã quan tâm, chú trọng công khai đầy đủ, kịp thời các thủ tục
hành chính, đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính đúng trình tự, thủ tục, bảo
đảm sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ khi
thực hiện thủ tục hành chính; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo
dục pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về tiếp cận pháp luật gắn mới
Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới... có nội dung và hình thức phù hợp
với từng đối tượng, địa bàn để nâng cao điều kiện tiếp cận pháp luật của người
dân tại cơ sở./.
Hải Lam Tường