Hướng dẫn nội dung tiêu chí, chỉ tiêu “tiếp cận pháp luật” trong đánh giá nông thôn mới và đô thị văn minh
Hướng dẫn nội
dung tiêu chí, chỉ tiêu “tiếp cận pháp luật” trong đánh giá nông thôn mới và đô
thị văn minh
Ngày 20/6/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết
định số 1143/QĐ-BTP ban hành hướng dẫn nội dung tiêu chí, chỉ tiêu “tiếp cận
pháp luật” trong đánh giá nông thôn mới và đô thị văn minh. Quyết định số
1143/QĐ-BTP có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 1723/QĐ-BTP ngày 15/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư
pháp ban hành hướng dẫn tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Bộ
tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ
tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 và tiêu
chí quận, thị xã, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Tiêu chí quận,
thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh.
Việc ban hành Quyết
định số 1143/QĐ-BTP nhằm hướng dẫn thực hiện thống nhất về tiêu chí “tiếp cận
pháp luật” được quy định trong các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ như: Quyết
định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 ban hành Quy định tiêu chí, trình tự,
thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh; số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022
ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã
nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; số 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 ban
hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; số
211/QĐ-TTg ngày 01/3/2024 sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ
tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới
nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia
về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; bổ sung tiêu chí huyện
nông thôn mới đặc thù không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021-2025. So
với Quyết định số 1723/QĐ-BTP, Quyết định số 1143/QĐ-BTP có những điểm mới cơ
bản như sau:
1. Sửa đổi nội dung
chỉ tiêu 18.4 “Tiếp cận pháp luật” trong Bộ Tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới
giai đoạn 2021 - 2025
Nội dung chỉ tiêu 18.4
“Tiếp cận pháp luật” thuộc Bộ tiêu chí quốc gia xã đạt chuẩn nông thôn mới giai
đoạn 2021-2025 được hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số
1143/QĐ-BTP. Việc xác định tiêu chuẩn đạt chuẩn của chỉ tiêu 18.4 ‘tiếp cận
pháp luật” không căn cứ vào toàn bộ kết quả đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp
luật hàng năm mà chỉ sử dụng kết quả đánh giá của 03 tiêu chí tiếp cận pháp
luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP của năm
trước liền kề xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới gắn với chức năng, nhiệm
vụ của Ngành Tư pháp, gồm: (1) Ban
hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật
trên địa bàn, (2) Tiếp cận thông tin,
phổ biến, giáo dục pháp luật, (3) Hòa
giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý. Theo đó, xã đạt chỉ tiêu 18.4. “Tiếp cận
pháp luật” khi điểm số của từng tiêu chí nêu trên đạt từ 80% số điểm tối
đa trở lên. Điều này nhằm tránh sự trùng lắp nội dung của một số tiêu chí tiếp
cận pháp luật với điều kiện, chỉ tiêu khác trong Bộ tiêu chí quốc gia xã nông
thôn mới (điều kiện “Xã đạt tiêu chuẩn “An toàn, an ninh trật tự” theo quy định
của Bộ Công an, chỉ tiêu 18.2 “Đảng bộ, chính quyền xã được xếp loại hoàn thành
tốt nhiệm vụ trở lên”…); giúp tiết kiệm nguồn lực, giảm thiểu hồ sơ trong đánh giá,
công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đối với chỉ
tiêu 9.5 “Phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định” thuộc
Tiêu chí phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh thì sử dụng kết quả đánh
giá, công nhận phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số
25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP của năm trước liền kề năm đánh giá
phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh theo quy định tại Quyết định số
04/2022/QĐ-TTg.
2. Sửa đổi yêu cầu về
mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật và mô hình điển hình về hòa
giải ở cơ sở
Nội dung tiêu chí 16
“Tiếp cận pháp luật” thuộc Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới nâng cao giai
đoạn 2021-2025 được hướng dẫn tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định số
1143/QĐ-BTP. Nội dung hướng dẫn thực hiện tiêu chí này cơ bản được giữ nguyên
như quy định tại Quyết định số 1723/QĐ-BTP trước đây và được chỉnh sửa về kỹ
thuật để bảo đảm tính chặt chẽ, phù hợp với quy định pháp luật, thống nhất cách
hiểu một số nội dung trong quá trình áp dụng. Trong đó, sửa đổi, làm rõ hơn yêu
cầu của mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở là
mô hình xã điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật, mô hình xã điển hình về
hòa giải ở cơ sở, cụ thể:
Xã được xác định là
có mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật khi đáp ứng các yêu cầu
sau: (1) Các chỉ tiêu 3, 4, 5 và 6 thuộc Tiêu
chí 2 “Tiếp cận thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật” theo quy định của Quyết
định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP đạt số điểm tối đa; (2) Huy động được nguồn lực hỗ trợ công
tác phổ biến, giáo dục pháp luật; (3)
Trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá có tập thể hoặc cá nhân được
cơ quan có thẩm quyền cấp huyện trở lên tặng Giấy khen hoặc Bằng khen hoặc hình
thức khen thưởng khác vì có thành tích xuất sắc về triển khai các giải pháp,
sáng kiến trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Xã được xác định là
có mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở khi đáp ứng các yêu cầu sau: (1)
Chỉ tiêu 2 thuộc Tiêu chí 3 “Hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý” theo quy định
tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP đạt số điểm tối
đa; (2) Huy động đội ngũ luật sư,
luật gia, Hội thẩm nhân dân, lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, báo
cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, lực lượng tham gia bảo vệ an
ninh, trật tự ở cơ sở, người đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra
viên, người đã hoặc đang công tác trong lĩnh vực pháp luật tham gia làm hòa
giải viên ở cơ sở hoặc hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở; (3) Trong 05 năm gần nhất tính đến thời
điểm đánh giá có tập thể hoặc cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp huyện trở
lên tặng Giấy khen hoặc Bằng khen hoặc hình thức khen thưởng khác vì có thành
tích xuất sắc về triển khai các giải pháp, sáng kiến trong công tác hòa giải ở
cơ sở.
3. Chỉ tiêu cấp huyện
đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Phụ lục III ban hành
kèm theo Quyết định số 1143/QĐ-BTP hướng dẫn nội dung của chỉ tiêu 9.6 “Huyện
đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định” thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện
nông thôn mới, chỉ tiêu 9.7 “Huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định”
thuộc Tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã
giai đoạn 2021 - 2025 và chỉ tiêu 9.4. “Quận, thị xã, thành phố đạt chuẩn tiếp
cận pháp luật” thuộc Tiêu chí quận, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh đạt
chuẩn đô thị văn minh (gọi chung là chỉ tiêu cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp
luật).
Theo đó, chỉ tiêu cấp
huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có 04 nội dung tập trung đánh giá mức độ
thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương cấp huyện trong các lĩnh vực xây
dựng, ban hành văn bản theo thẩm quyền; tiếp cận thông tin; phổ biến, giáo dục
pháp luật; hòa giải ở cơ sở; trợ giúp pháp lý. So với Quyết định số
1723/QĐ-BTP, việc xác định mức độ đạt chuẩn của chỉ tiêu cấp huyện đạt chuẩn
tiếp cận pháp luật được chỉnh sửa theo hướng: (1) Bỏ các điều kiện cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, cách
tính theo điểm số; (2) Lược bỏ một
số nội dung về tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị,
phản ánh, khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, chỉ lựa
chọn những nội dung gắn với chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp và quy định
tiêu chuẩn đạt chuẩn đối với từng nội dung.
Đối với chỉ tiêu 9.7
“Huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” thuộc tiêu chí huyện nông thôn mới đặc
thù, không có đơn vị hành chính cấp xã, ngoài đáp ứng tiêu chuẩn 04 nội dung
của chỉ tiêu cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định, còn phải đáp
ứng các nội dung về tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết vụ, việc hòa giải, tỷ lệ vụ,
việc hòa giải thành và bố trí kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở./.
Hải Lam Tường