Củng cố, kiện toàn nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ Giám định viên tư pháp trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 2403

Củng cố, kiện toàn nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ Giám định viên tư pháp trên địa bàn tỉnh

Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3012/UBND-NCKSTTHC ngày 11/8/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo củng cố, kiện toàn nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ Giám định viên tư pháp trên địa bàn tỉnh; theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ban, ngành tập trung thực hiện một số giải pháp để và nâng cao chất lượng đội ngũ giám định viên tư pháp, tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động công tác giám định tư pháp.

Trong thời gian qua, hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh tuy đã được tăng cường quan tâm củng cố, kiện toàn số lượng giám định viên tư pháp, góp phần phục vụ cho hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, hiện nay một số lĩnh vực vẫn còn thiếu giám định viên tư pháp theo vụ việc; chất lượng công tác giám định, nhất là thời hạn thực hiện giám định theo quy định của pháp luật vẫn còn hạn chế nhất định; mối quan hệ phối hợp giữa các sở, ban, ngành thực hiện chức năng giám định tư pháp và các cơ quan tiến hành tố tụng có lúc, có việc còn hình thức, thiếu thực chất; cơ chế quản lý giám định viên tư pháp theo vụ việc và trách nhiệm của thủ trưởng một số sở, ngành có giám định tư pháp trong thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu hoạt động tố tụng.

Để khắc phục những bất cập trong thời gian qua, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Luật Giám định tư pháp năm 2012; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020); đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; Kế hoạch số 1884/KH-UBND ngày 14/5/2018 của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ giám định viên tư pháp, tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động công tác giám định tư pháp, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

Thủ trưởng các Sở Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tăng cường, nâng cao tinh thần trách nhiệm và quan tâm hơn đối với công tác quản lý giám định tư pháp và quản lý hoạt động của giám định viên tư pháp thuộc lĩnh vực ngành quản lý; chủ động trong việc giới thiệu, cử cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện thực hiện giám định tư pháp theo vụ việc trên cơ sở yêu cầu của cơ quan tố tụng. Tăng cường chỉ đạo giám định viên tư pháp của ngành mình thực hiện đúng quy định về thời hạn giám định khi các cơ quan tố tụng trưng cầu để bảo đảm tính đồng bộ, tương thích về thời gian trưng cầu giám định với quy định của pháp luật về tố tụng; có giải pháp, biện pháp để khắc phục tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, thực hiện giám định trong thời gian qua theo đề nghị của cơ quan trưng cầu giám định, gây ảnh hưởng đến tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc trên lĩnh vực đất đai, tài chính, tài sản. Lựa chọn và cử giám định viên tư pháp ngành mình tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Bộ, ngành chủ quản tổ chức; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ giám định tư pháp; kiến thức pháp luật cho các giám định viên tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý.

Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh quản lý lĩnh vực giám định viên tư pháp:

 Thực hiện lựa chọn, đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp; công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc: Lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành, tiếp nhận hồ sơ, gửi Sở Tư pháp có ý kiến trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp: thực hiện theo quy định tại Điều 8 Luật Giám định viên tư pháp và các văn bản có liên quan.

Lựa chọn những người (cá nhân) đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định tại Điều 18 Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành; lập danh sách, kèm theo hồ sơ gửi về Sở Tư pháp có ý kiến trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố theo quy định.

Lựa chọn các tổ chức (đơn vị) đáp ứng được điều kiện quy định tại Điều 19 Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành; lập danh sách, kèm theo hồ sơ gửi về Sở Tư pháp có ý kiến trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố theo quy định.

Chủ trì thực hiện rà soát, kiện toàn thường xuyên giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc lĩnh vực ngành mình quản : Đối với giám định viên tư pháp: qua rà soát nếu có giám định viên tư pháp thuộc trường hợp miễn nhiệm theo quy định tại Điều 10 Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định, gửi Sở Tư pháp có ý kiến trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh miễn nhiệm theo quy định. Hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Giám định tư pháp và các văn bản có liên quan.

Đối với người giám định viên tư pháp theo vụ việc: qua rà soát nếu có sự thay đổi về thông tin liên quan đến người giám định tư pháp theo vụ việc đã được UBND tỉnh công bố; lập danh sách có nội dung điều chỉnh về sự thay đổi thông tin liên quan, trình UBND tỉnh điều chỉnh danh sách và thông báo cho Bộ Tư pháp theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp.

Chủ trì trong việc tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho giám định viên tư pháp thuộc lĩnh vực ngành quản lý; lựa chọn và cử giám định viên tư pháp tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ, ngành Trung ương tổ chức, đồng thời chủ động tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị mình và chịu trách nhiệm về chất lượng hoạt động của giám định viên do ngành quản lý; tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động giám định tư pháp thuộc lĩnh vực ngành quản lý.

Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về lĩnh vực giám định tư pháp chuyên ngành, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Giám định tư pháp: “…Cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh giúp UBND cùng cấp quản lý Nhà nước về lĩnh vực giám định tư pháp chuyên ngành, chịu trách nhiệm trước UBND cấp tỉnh về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý; phối hợp với Sở Tư pháp giúp UBND cùng cấp trong quản lý Nhà nước về giám định tư pháp ở địa phương”.

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan tố tụng trong trưng cầu giám định viên; giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện thực hiện giám định tư pháp theo vụ việc trên cơ sở yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu kéo dài thời gian thực hiện giám định tư pháp mà không có lý do chính đáng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của điểm a khoản 1 Điều 20 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Định kỳ hàng năm, thực hiện việc rà soát, lập danh sách giám định viên, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, đơn vị mình và gửi về Sở Tư pháp trước ngày 31/10 để tổng hợp chung, báo cáo Bộ Tư pháp

Đồng thời, UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Tư pháp: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chuyên môn có giám định tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành “Quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quản lý, thực hiện hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh” để nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị hữu quan trong hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với các sở, ngành chuyên môn có giám định tư pháp thẩm định hồ sơ trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; hàng năm lập danh sách, trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố danh sách người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh và Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp; thực hiện báo cáo Bộ Tư pháp theo định kỳ hàng năm.

Phối hợp theo dõi, đôn đốc việc thực hiện công tác giám định tư pháp của thủ trưởng các sở, ngành; kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh biện pháp thực hiện đối với các sở, ngành được đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên nhưng không thực hiện tốt công tác quản lý và phối hợp trong hoạt động giám định tư pháp của ngành mình quản lý; kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giám định tư pháp theo quy định pháp luật.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chuyên môn đánh giá về tổ chức, chất lượng hoạt động giám định tư pháp ở địa phương, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp để bảo đảm đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc đáp ứng kịp thời, có chất lượng yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng định kỳ vào tháng 10 hàng năm.

Yêu cầu các sở, ngành quản lý hoạt động giám định tư pháp căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao theo nội dung chỉ đạo trên đảm bảo hiệu quả và đúng quy định.

                                                                             Ban biên tập

Tin khác
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP

Thành phần của Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận
Địa chỉ: 06 Nguyễn Tất Thành, phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Điện Thoại: (0252) 3.822.889 - Fax: (0252) 3.821.697
Email: stp@binhthuan.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang