Một số kết quả đáng ghi nhận trong công tác trợ giúp pháp lý 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Một số kết quả đáng ghi nhận trong công tác
trợ giúp pháp lý 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Chiều
ngày 04/7/2024, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Thuận đã tổ chức
Hội nghị sơ kết công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) 6 tháng đầu năm 2024 và bàn
nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Đặng Văn Đào -
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, đồng chí Châu Thị Vân - Chánh Văn phòng Sở, đại
diện Phòng Nghiệp vụ 2, lãnh đạo và viên chức Trung tâm, Chi nhánh TGPL.
Trong 6 tháng đầu năm
2024, được sự quan tâm, chỉ đạo của Cục Trợ giúp pháp lý, Ủy ban nhân dân tỉnh,
Lãnh đạo Sở Tư pháp; sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban ngành có liên quan, cùng
với sự đoàn kết thống nhất và nỗ lực phấn đấu của tập thể lãnh đạo và viên chức
của Trung tâm, công tác TGPL trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực,
đạt được một số kết quả đáng khích lệ, nổi rõ là:
Toàn cảnh Hội nghị
Trung tâm đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra
theo Kế hoạch trong 06 tháng đầu năm 2024. Tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý đã
thực hiện là: 113 vụ việc cho 113 lượt người; trong đó: Tham gia tố tụng: 111 vụ
việc; Đại diện ngoài tố tụng: 02 vụ việc cho các diện đối tượng là Trẻ
em: 19 trường hợp; Người bị buộc tội từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi: 80 trường hợp;
Người dân tộc sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn: 02 trường
hợp; Người có công cách mạng: 05 trường hợp; Người khuyết tật: 03 trường hợp;
Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo: 02 trường hợp; Hộ nghèo: 02 trường hợp.
Trung tâm đã tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tiến
hành tố tụng nhằm đẩy mạnh hoạt động TGPL, tránh bỏ sót các đối tượng thuộc diện
được TGPL. Trong công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng, khi phát hiện
đối tượng thuộc diện được TGPL các cơ quan tiến hành tố tụng đều thông báo cho
Trung tâm, kịp thời phân công người thực hiện TGPL tham gia ngay từ giai đoạn tố
giác tội phạm, bắt người phạm tội quả tang… Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ
quan tiến hành tố tụng đã chuyển 113 vụ việc đến Trung tâm và Chi nhánh góp phần
kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL theo quy định của
pháp luật.
Công tác truyền thông về TGPL ngày càng đi vào chiều sâu, thực
chất hơn; nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng. Điển hình:
Trung tâm đã phối hợp với Báo Bình Thuận thực hiện chuyên trang thông tin tuyên
truyền đăng trên báo online Bình Thuận; phối hợp với Đài phát thanh và Truyền
hình tỉnh Bình Thuận xây dựng, phát sóng phóng sự TGPL trên chuyên mục “Trợ giúp
pháp lý đồng hành cùng dân”. Trung tâm đã
phối hợp với UBND, Phòng Tư pháp huyện Phú Quý tổ chức 03 đợt truyền thông về
TGPL tại 03 xã Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải nhằm thực hiện tuyên truyền và
phổ biến các chuyên đề pháp luật về TGPL cho hơn 240 lượt người tham gia và cấp
phát miễn phí 5.000 tờ rơi, tờ gấp pháp luật cho người dân. Ngoài ra, thông qua
các đợt truyền thông về TGPL, Trung tâm đã lồng ghép thực hiện tư vấn, hướng dẫn,
giải đáp vướng mắc pháp luật cho hơn 60 trường hợp tại xã được người dân đón nhận
và chính quyền địa phương ủng hộ vì giúp người dân tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc
pháp luật…
Các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL
đã phát huy tốt khả năng, đồng hành cùng đối tượng được TGPL để bảo vệ tối đa
quyền và lợi ích hợp pháp cho những người thuộc diện được TGPL theo quy định.
Hoạt động TGPL của Trung tâm đã góp phần giải quyết những vướng
mắc, giảm bớt khiếu kiện, khiếu nại của người dân trên từng địa bàn, góp phần bảo
vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm
pháp luật, tạo niềm tin của Nhân dân với chính quyền.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội nghị cũng nêu rõ một số hạn
chế, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ như: Nhận
thức vai trò của công tác TGPL nói chung và trong hoạt động tố tụng
nói riêng của các cơ quan phối hợp được nâng lên nhưng vẫn còn chưa
cao, vẫn còn thiếu sự quyết liệt trong công tác lãnh, chỉ đạo của các
Ngành; thiếu sự kiểm tra đánh giá định kỳ, đôn đốc, nhắc nhỡ trong
hoạt động phối hợp thực hiện. Đối tượng được TGPL liên hệ với Trung tâm,
Chi nhánh chưa nhiều, hầu hết các đối tượng được TGPL đều do cơ quan tố tụng
chuyển đến. Việc giải thể các Chi nhánh TGPL làm
giảm đầu mối tiếp nhận vụ việc TGPL tại địa phương. Vì vậy, một số trường hợp
người được TGPL chưa có điều kiện tiếp cận với hoạt động TGPL, bởi đa số người
thuộc diện được TGPL là hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em, người khuyết tật, người
già... họ gặp khó khăn về điều kiện kinh tế, chi phí đi lại...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Đặng Văn Đào - Phó Giám đốc
Sở Tư pháp đánh giá cao những kết quả Trung tâm đã đạt được và biểu dương tinh
thần của tập thể Trung tâm trong thời gian qua, kịp thời khắc phục khó khăn và
đạt được những kết quả nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2024. Đồng thời, đề nghị tập
thể Trung tâm nỗ lực, phấn đấu hơn nữa để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao
trong thời gian tới.
Từ kết
quả đạt được, trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phát huy những thuận lợi,
khắc phục những khó khăn tồn tại, đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ
trọng tâm sau: Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2024; Tăng
cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, thu thập thông tin vụ việc tố
tụng; Tăng cường công tác trợ giúp pháp lý cho đối tượng người khuyết tật có
khó khăn về tài chính và triển khai các hoạt động nghiệp vụ theo hướng tập
trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người
được trợ giúp pháp lý, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng
người yếu thế trên địa bàn tỉnh./.
Lê Hoàng Sơn – Trung
tâm TGPL Nhà nước