Thông tư mới quy định về nội dung và mức chi bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật
Thông tư mới quy định về nội dung và mức chi bảo đảm cho
công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật
Ngày
08/02/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 09/2023/TT-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết
toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử
lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Thông tư này
thay thế Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17/8/2011 của Bộ trưởng Bộ
Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và
quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá
văn bản quy phạm pháp luật.
So với Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP, các nội dung chi bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ
thống hoá văn bản quy phạm pháp luật được
quy định tại Thông tư số
09/2023/TT-BTC về cơ bản không có nhiều sự thay đổi. Thông tư số 09/2023/TT-BTC có bổ sung thêm một số nội dung chi như
chi lấy ý kiến chuyên gia trong trường hợp dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát
theo chuyên đề, địa bàn, ngành, lĩnh vực; báo cáo tổng rà soát hệ thống văn
bản; báo cáo hệ thống hóa văn bản cần phải lấy ý kiến tư vấn của các chuyên gia; chi chỉnh lý các loại dự thảo báo cáo; quy định cụ thể hơn
các loại báo cáo được chi báo cáo kết quả kiểm
tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản... Ngoài ra, Thông tư số 09/2023/TT-BTC quy định mở rộng trường hợp được
chi đối với công tác kiểm tra văn bản; nếu theo quy định của Thông tư liên tịch
số 122/2011/TTLT-BTC-BTP, chỉ trong trường hợp kiểm tra mà phát
hiện văn bản trái pháp luật thì mới
được hỗ trợ thì Thông tư số 09/2023/TT-BTC quy định chi cho tất cả các trường hợp thực hiện kiểm tra văn bản quy định tại khoản
2 Điều 106 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
Về
mức chi, Thông
tư số 09/2023/TT-BTC quy định viện
dẫn một số nội dung chi đã được quy định chế độ, tiêu chuẩn, định mức
chi tiêu tài chính hiện hành tại các văn bản hiện hành như: Đối với các khoản
chi để tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sơ kết, tổng kết; các
khoản chi công tác phí cho những người đi công tác trong nước (bao gồm cả cộng
tác viên, thành viên tham gia các đoàn kiểm tra văn bản và đoàn kiểm tra công
tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản) được thực hiện theo quy
định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày
28 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí,
chế độ chi hội nghị; Đối với các khoản chi cho việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng
nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác
kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản và đội ngũ cộng tác viên được thực hiện
theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày
30 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản
lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,
công chức, viên chức (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 06/2023/TT-BTC ngày
31 tháng 01 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)… Ngoài ra, Thông tư số 09/2023/TT-BTC còn quy định mức chi tối đa đối
với một số khoản chi có tính chất đặc thù trong kiểm tra, xử lý,
rà soát, hệ thống hóa văn bản và giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào khả năng ngân sách, tình hình thực tế địa
phương và tính chất mỗi hoạt động kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản để quy định cụ thể mức chi đảm bảo cho công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản tại địa
phương.
Thông tư có hiệu lực thi
hành từ 01/4/2023 và được áp dụng cho đến khi thực hiện cải cách tiền lương
theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy
Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán
bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh
nghiệp./.
Loan Nguyễn