Một số nội dung cần lưu ý khi đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Một số nội dung cần lưu ý khi đánh giá cấp xã đạt
chuẩn tiếp cận pháp luật
Việc đánh giá về kết quả xây dựng xã, phường, thị trấn
đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện theo quy định tại Quyết định số
619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về xây dựng
xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư số 07/2017/TT-BTP
ngày 28/7/2017 của Bộ Tư pháp quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các
chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội
dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Qua kiểm tra công tác đánh giá việc xây dựng xã, phường,
thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Kế hoạch số 67/KH-STP ngày
05/8/2020, Sở Tư pháp nhận thấy cấp xã khi tiến hành đánh giá cấp xã đạt chuẩn
tiếp cận pháp luật thì các địa phương chưa tuân thủ đúng và đủ các quy định của
pháp luật. Do đó, để kết quả đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên
địa bàn tỉnh năm 2020 và những năm tiếp theo đảm bảo thực chất, phù hợp với yêu
cầu của pháp luật, các địa phương cần lưu ý một số nội dung khi tiến hành đánh
giá, cụ thể như sau:
1. Thời hạn
và quy trình đánh giá
- Việc rà soát, đánh giá, chấm điểm, công nhận cấp xã
đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được tiến hành hàng năm, tính từ ngày 01 tháng 01
đến hết ngày 31 tháng 12. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức họp đánh giá
kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trường hợp xét thấy đủ điều
kiện công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân
cấp xã gửi hồ sơ đề nghị công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đến
Phòng Tư pháp cấp huyện trước ngày 05 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh
giá.
- Phòng
Tư pháp cấp huyện có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ đề nghị công nhận cấp xã đạt chuẩn
tiếp cận pháp luật; tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức họp Hội
đồng đánh giá tiếp cận pháp luật. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp huyện yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giải trình, bổ sung
hồ sơ trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu. Căn cứ kết quả họp Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật, Phòng Tư pháp cấp
huyện lập danh sách cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, danh sách cấp xã chưa
đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và đề xuất các giải pháp trình Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cùng cấp trước ngày 20 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá.
- Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận
pháp luật trước ngày 25 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá; báo cáo Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung
là cấp tỉnh) kết quả công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và các giải
pháp đối với cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn.
Lưu ý: Trong trường hợp việc đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn
mới được tổ chức đồng thời với đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì sử
dụng kết quả đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của năm đánh giá để xét,
đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới. Trong trường hợp việc đánh giá xã đạt chuẩn
nông thôn mới được tổ chức trước thời điểm đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp
luật thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sử dụng kết quả đánh giá đạt chuẩn
tiếp cận pháp luật của năm trước liền kề năm đánh giá hoặc sử dụng kết quả của
năm đánh giá nhưng phải tuân thủ quy định tại Quyết định số 619/QĐ-TTg.
2. Về đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục
hành chính tại cấp xã
Số
lượng đối tượng tham gia đánh giá sự hài lòng hằng năm của mỗi đơn vị cấp xã do
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh) hướng dẫn nhưng tối thiểu phải đạt từ 15%
trở lên số lượt thủ tục hành chính tại cấp xã đã được giải quyết và trả
kết quả của năm trước liền kề năm đánh giá. Việc tổ
chức đánh giá sự hài lòng bằng Phiếu lấy ý kiến được thực hiện nhiều lần vào cuối
tháng, cuối quý hoặc 06 tháng một lần theo điều kiện thực tế của địa phương
(Phiếu lấy ý kiến theo mẫu của Thông tư số 07/2017/TT-BTP).
Kiểm
tra việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
năm 2020 tại Ủy ban nhân dân xã Tân Bình – thị xã La Gi.
3. Về Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật
Hội đồng có chức năng tư vấn, tham mưu giúp Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ xem xét, đề nghị công nhận cấp xã đạt
chuẩn tiếp cận pháp luật. Số lượng thành viên Hội đồng
do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định, nhưng tối đa không quá 15 người.
Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số bằng hình thức biểu
quyết hoặc phiếu lấy ý kiến. Cuộc họp Hội đồng được tiến hành khi có ít nhất 2/3 tổng
số thành viên tham dự.
4. Điều kiện công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi có đủ các điều kiện
sau đây:
- Không
có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa;
- Tổng số
điểm của các tiêu chí tiếp cận pháp luật phải đạt từ 90% số điểm tối đa trở lên
đối với cấp xã loại I, từ 80% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại II và
từ 70% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại III;
- Kết quả
đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đạt từ 80% tổng số điểm tối đa trở
lên;
- Trong
năm không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh
cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường
thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra.
5. Niêm yết kết quả đánh giá,
công bố cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
- Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết công khai kết quả chấm điểm
các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật tại trụ sở làm việc, nhà văn hóa hoặc
nơi sinh hoạt cộng đồng của thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố và cộng
đồng dân cư khác và thông báo trên đài, loa truyền thanh cơ sở trong thời hạn 10
ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc tự chấm điểm.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công
bố danh sách cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, danh sách cấp xã chưa đạt chuẩn
tiếp cận pháp luật trên Cổng/Trang tin điện tử của địa phương chậm nhất là 05
ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định công nhận đối với cấp huyện và 05 ngày
làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đối
với cấp tỉnh.
Thái
Thiện