Kết quả thực hiện công
tác Pháp chế năm
2020 của tỉnh Bình Thuận
Thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày
04/7/2011 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ
chức bộ máy của tổ chức pháp chế; Thông tư số 01/2015/TT-BTP ngày 15/01/2015 của
Bộ Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các
tổ chức pháp chế. Trong năm 2020,UBND tỉnh đã chỉ đạo triển
khai thực hiện công tác pháp chế đạt được một số kết quả
như sau:
Về kiện toàn tổ chức pháp chế: Tại 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có 17/17 công chức pháp
chế kiêm nhiệm. Trong tổng số công chức thực hiện công tác pháp chế của các Sở,
có 12 công chức có trình độ chuyên môn luật (tăng 03 người so với năm 2019), 01
sau đại học (năm 2019 không có ai sau đại học) và còn lại là 04 công chức có
trình độ chuyên môn khác.
Về công tác xây dựng pháp luật: Công tác xây dựng văn bản QPPL của các sở, ngành, địa
phương thực hiện đúng trình tự, thủ tục, chất lượng được nâng cao. Trong năm
qua, các sở, ngành đã tham mưu ban hành 74 văn bản QPPL, bao gồm 44 Quyết định
và 30 Nghị quyết. Các bản ban hành đều đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính
khả thi.
Về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL của tỉnh: UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số
4762/KH-UBND ngày 13/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kiểm tra và rà soát
văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trên địa bàn
tỉnh Bình Thuận năm 2020. Theo đó, công chức pháp chế các Sở, ban, ngành sẽ tham mưu
trình lãnh đạo ban hành kế hoạch cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị theo từng
ngành, lĩnh vực chuyên môn.
Về công tác kiểm tra văn bản QPPL của tỉnh: Từ đầu năm đến nay, đã tự kiểm tra 29/29 Quyết định
QPPL của UBND tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy hầu hết các văn bản được ban hành đúng
thẩm quyền, phù hợp với pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý Nhà nước
trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên có một số văn bản còn chưa đảm bảo các yêu
cầu về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản theo quy định.
Về công tác theo dõi thi hành pháp luật:Thực hiện Kế
hoạch số 58/KH-ĐKT1358 ngày 01/7/2020 của Đoàn Kiểm tra 1358 về kiểm tra công
tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm trên địa bàn tỉnh
Bình Thuận năm 2020; Theo đó, Đoàn Kiểm tra 1358 đã kiểm tra công tác theo dõi
tình hình thi hành pháp luật năm 2020 tại UBND các huyện: Đức Linh, Hàm Tân và
các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường. Qua công
tác kiểm tra theo Kế hoạch Đoàn Kiểm tra 1358 đã ban hành các Thông báo về kết
quả kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm
năm 2020 tại các cơ quan và địa phương.
Về công tác phổ
biến, giáo dục pháp luật: Công tác PBGDPL trên địa bàn
tỉnh dưới nhiều hình thức phong phú đến các đối tượng đa dạng như: Đội ngũ làm
công tác PBGDPL cấp tỉnh, huyện, xã; thanh thiếu niên; đồng bào dân tộc thiểu số;…
về các quy định pháp luật mới, phản ánh các vấn đề đang được dư luận xã hội
quan tâm. Đặc biệt, trong năm 2020 dưới ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đã thực
hiện phổ biến các chủ trương, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban
nhân dân tỉnh về phòng chống dịch bệnh, áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội,
các quy định về xử phạt hành vi vi phạm về phòng chống dịch bệnh,…
Về công tác bồi thường của Nhà nước: Tiếp
tục thực hiện công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực bồi thường nhà nước. Sở
đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác bồi thường nhà nước
trên địa bàn tỉnh năm 2020. Trong năm, Sở không nhận được trường hợp của tổ chức,
cá nhân nào yêu cầu về bồi thường.
Về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Trong
năm qua, UBND tỉnh
đã ban hành Quyết định số 1670/QĐ-UBND ngày 20/7/2020 về Phê duyệt Chương trình
hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Tổ chức hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật
về quyền tài sản, bảo vệ tài sản cho doanh nghiệp theo quy định pháp luật cho
các doanh nghiệp và người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa
bàn tỉnh và tổ chức hội thảo về chiến lược kinh doanh thời Covid cho các đối tượng
là các doanh nghiệp, các hiệp hội du lịch, hiệp hội ngành nghề, hội doanh nhân
trẻ…
Đồng thời, xây dựng chuyên mục
“Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” trên Cổng thông tin điện tử của Sở, theo đó
thông tin kịp thời giúp doanh nghiệp tiếp cận các thông tin pháp lý liên quan đến
hoạt động sản xuất, kinh doanh được dễ dàng, thuận lợi và minh bạch và thực hiện
việc cung cấp trên môi trường điện tử các thủ tục hành chính có nhu cầu lớn,
liên quan nhiều đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp kết nối, tích hợp với
Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Về công tác tham
mưu về các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng: Trong
năm qua đã ban hành Quyết định về việc kiện toàn thành viên Hội đồng phối hợp
liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Trung tâm trợ giúp pháp
lý đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 42 vụ việc. Qua đó cử Luật sư, Trợ giúp
viên pháp lý tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng được trợ giúp
pháp lý qua các giai đoạn tố tụng.
Nhìn chung, công tác pháp chế được
thể hiện đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ. Thực hiện tốt công tác xây dựng, kiểm
tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, theo dõi thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, bồi thường của Nhà nước và các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng.
Tuy nhiên do chưa có sự
thống nhất trong văn bản QPPL quy định công tác pháp chế với văn bản quy định tổ
chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh nên có phần ảnh hưởng tới chất
lượng trong công tác pháp chế. Đồng thời do
bất cập trong vấn đề biên chế nên các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh vẫn
chưa thành lập lại Phòng Pháp chế. Công
chức làm công tác pháp chế chủ yếu là kiêm nhiệm nên
đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng trong công tác pháp chế.
Lâm Hương