Sở Tư pháp trả lời Đơn cho công dân liên quan đến pháp luật về thừa kế
Lượt xem: 124

Sở Tư pháp trả lời Đơn cho công dân liên quan đến pháp luật về thừa kế

 

Sở Tư pháp nhận được Đơn xem xét về việc giải thích pháp luật về thừa kế của công dân. Qua nghiên cứu nội dung Đơn, các tài liệu gửi kèm và các văn bản pháp luật có liên quan, Sở Tư pháp có ý kiến như sau:

1. Quy định pháp luật về thời hiệu yêu cầu chia thừa kế

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015): “1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.”

           Theo quy định tại Điều 623 BLDS 2015 về thời hiệu thừa kế:

“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”

- Theo nội dung phần I của Văn bản số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân Tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, hướng dẫn về dân sự, có nội dung hướng dẫn như sau:

+ Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10-9-1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10-9-1990.

+ Khi xác định thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 01-7-1991 và di sản là nhà ở thì thời gian từ ngày 01-7-1996 đến ngày 01-01-1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia; thời gian từ ngày 01-7-1996 đến ngày 01-9-2006 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia.

2. Từ các căn cứ quy định pháp luật nêu trên, Bà A chết năm 1981, Ông B chết năm 1991, đến nay đã quá thời hiệu 30 năm để yêu cầu chia thừa kế. Do đó, di sản sẽ thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó là Ông C (con ruột) và Bà D (con dâu). Tuy nhiên, Ông C cũng đã chết do đó quyền sử dụng đất này sẽ là di sản của Ông C và những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của Ông C sẽ được hưởng thừa kế là Bà D và các con theo quy định của Bộ Luật dân sự./.

Phương Hà

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP

Thành phần của Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận
Địa chỉ: 06 Nguyễn Tất Thành, phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Điện Thoại: (0252) 3.822.889 - Fax: (0252) 3.821.697
Email: stp@binhthuan.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang