Chính phủ quy định nội dung mới về đăng ký, quản lý cư
trú
Ngày 26/11/2024, Chính
phủ ban hành Nghị định số 154/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành Luật Cư trú, Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2025
và quy định rõ về một số nội dung về đăng ký, quản lý cư trú, cụ thể như sau:
- Trường hợp công dân
đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình mà chỗ ở hợp
pháp đó có nhiều hơn một chủ sở hữu thì không cần có ý kiến đồng ý của những người
đồng sở hữu.
- Trường hợp đăng ký
thường trú theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú mà chỗ ở hợp
pháp có nhiều hơn một chủ sở hữu thì chỉ cần ý kiến đồng ý của ít nhất một chủ
sở hữu.
- Trường hợp đăng ký
thường trú không thuộc điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú mà chỗ ở hợp pháp có
nhiều hơn một chủ sở hữu thì khi đăng ký thường trú phải có ý kiến đồng ý của
các chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền bằng văn bản có công chứng
hoặc chứng thực theo quy định pháp luật.
- Trường hợp đăng ký
thường trú vào chỗ ở hợp pháp của chủ sở hữu là người bị mất năng lực hành vi
dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ
luật Dân sự, người dưới 18 tuổi, người bị tuyên bố mất tích, người đã chết thì
chỉ cần lấy ý kiến đồng ý của một trong những người đại diện hợp pháp, người
thừa kế của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
Việc lấy ý kiến đồng
ý của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, người đại diện hợp pháp, người thừa kế
theo quy định pháp luật, cha, mẹ, người giám hộ được thực hiện bằng một trong
các hình thức sau:
a) Ghi rõ nội dung
đồng ý và ký, ghi rõ họ tên vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;
b) Xác nhận nội dung
đồng ý thông qua Ứng dụng định danh quốc gia hoặc dịch vụ công trực tuyến hoặc
cơ quan đăng ký cư trú trao đổi, lấy ý kiến trực tiếp thông qua việc kiểm tra,
xác minh cư trú;
c) Có ý kiến đồng ý
bằng văn bản.
Trường hợp hộ gia
đình chuyển nơi cư trú mới thì chủ hộ chỉ thực hiện đăng ký cư trú đối với bản
thân mình theo điều kiện, thủ tục của Luật Cư trú và kê khai, đăng ký cư trú
kèm theo cho các thành viên khác của hộ gia đình trong Tờ khai thay đổi thông
tin cư trú.
Trường hợp một hoặc
nhiều thành viên trong hộ gia đình chuyển nơi cư trú mới thì một trong các
thành viên đó thực hiện đăng ký cư trú đối với bản thân mình theo điều kiện,
thủ tục của Luật Cư trú; người thực hiện thủ tục được kê khai, đăng ký cư trú
kèm theo cho các thành viên khác của hộ gia đình trong Tờ khai thay đổi thông
tin cư trú, không phải nộp hồ sơ và thực hiện thêm các thủ tục đăng ký cư trú
khác cho thành viên hộ gia đình.
Cơ quan đăng ký cư
trú có trách nhiệm hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký thường trú,
đăng ký tạm trú đối với trường hợp công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp
ngoài nơi cư trú đã đăng ký, khai báo theo quy định của Luật Cư trú. Trường hợp
công dân không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại chỗ ở mới
thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin nơi ở hiện tại của
công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Công dân đăng ký tạm
trú về với hộ gia đình thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Cư
trú khi chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý và không phải xuất trình, cung
cấp giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp. Khi hết thời hạn tạm trú, đại diện thành
viên hộ gia đình được kê khai, đăng ký gia hạn tạm trú cho bản thân hoặc các
thành viên khác trong hộ gia đình khi được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý,
không phải xuất trình, cung cấp giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Cơ quan đăng ký cư
trú giải quyết thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc thủ tục khác về
cư trú nhưng không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng và điều kiện theo quy
định của Luật Cư trú thì phải hủy kết quả đã giải quyết, phục hồi lại trạng
thái, thông tin cư trú trước đây và thông báo bằng văn bản cho người đã đăng
ký, nêu rõ lý do.
Trường hợp công dân
có nơi thường trú, nơi tạm trú và đã bị xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm
trú nhưng không xác định được nơi hiện đang cư trú thì cơ quan đăng ký cư trú
nơi đã xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú có trách nhiệm tiếp tục thực
hiện biện pháp quản lý cư trú đối với những trường hợp này.
Xác nhận về điều kiện
diện tích bình quân nhà ở để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ;
nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở, không
thuộc địa điểm không được đăng ký thường trú mới theo quy định tại điểm i khoản
2, điểm b khoản 4 Điều 5 Nghị định này:
a) Công dân nộp 01 hồ
sơ đề nghị xác nhận bằng phương thức trực tuyến, trực tiếp, dịch vụ bưu chính
công ích tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú;
b) Hồ sơ đề nghị xác
nhận gồm: Tờ khai đề nghị xác nhận theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định
này;
c) Trong thời hạn 02
ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại điểm b khoản này, Ủy ban
nhân dân cấp xã nơi cư trú xem xét xác nhận và trả kết quả cho công dân; trường
hợp từ chối giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do;
d) Trường hợp công
dân nộp hồ sơ đề nghị xác nhận tới cơ quan đăng ký cư trú cùng hồ sơ đăng ký
thường trú, đăng ký tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm chuyển hồ sơ
đề nghị xác nhận đến Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, giải quyết.
Hải
Lam Tường