Xử lý tình huống và kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư
(Nguồn:
Nghị định 115/2024/NĐ-CP ban hành ngày 16/9/2024
của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành
Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có
sử dụng đất, có hiệu lực kể từ ngày 16/9/2024)
Điều 59. Xử lý tình huống trong lựa chọn nhà đầu tư
1.
Trường hợp tại thời điểm đóng thầu không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ đăng ký
thực hiện dự án, hồ sơ dự thầu, bên mời quan tâm, bên mời thầu báo cáo người có
thẩm quyền xem xét, giải quyết theo một trong hai cách sau đây:
a) Cho
phép gia hạn thời điểm đóng thầu tối đa 30 ngày;
b)
Quyết định hủy thông báo mời quan tâm, thông báo mời thầu, đồng thời yêu cầu
bên mời quan tâm, bên mời thầu điều chỉnh hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu và
tổ chức lại việc lựa chọn nhà đầu tư.
2.
Trường hợp tại thời điểm đóng thầu có ít hơn 03 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký
thực hiện dự án, hồ sơ dự thầu thì bên mời quan tâm, bên mời thầu báo cáo người
có thẩm quyền xem xét, giải quyết trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ thời
điểm đóng thầu theo một trong hai cách sau đây:
a) Cho
phép gia hạn thời điểm đóng thầu, đồng thời rà soát, chỉnh sửa hồ sơ mời quan
tâm hoặc hồ sơ mời thầu (nếu cần thiết) nhằm tăng thêm số lượng nhà đầu tư đăng
ký thực hiện dự án, tham dự thầu. Trong trường hợp này phải quy định rõ thời
điểm đóng thầu mới và các thời hạn tương ứng để nhà đầu tư có đủ thời gian sửa
đổi hoặc bổ sung hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, hồ sơ dự thầu đã nộp. Trường
hợp chỉnh sửa hồ sơ mời quan tâm hoặc hồ sơ mời thầu, các nhà đầu tư đã nộp hồ
sơ đăng ký thực hiện dự án hoặc hồ sơ dự thầu có quyền sửa đổi, thay thế hoặc
rút hồ sơ đã nộp;
b) Cho
phép mở thầu ngay để tiến hành đánh giá.
3.
Trường hợp phát hiện hồ sơ mời thầu có nội dung dẫn đến cách hiểu không rõ hoặc
khác nhau trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu hoặc có thể làm sai lệch kết
quả lựa chọn nhà đầu tư, bên mời thầu báo cáo người có thẩm quyền xem xét, xử
lý theo các bước sau đây:
a) Sửa
đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu, bảo đảm không trái với quyết định chấp thuận chủ
trương đầu tư (đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp
luật về đầu tư), văn bản phê duyệt thông tin dự án (đối với dự án không thuộc
diện chấp thuận chủ trương đầu tư), quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp
luật quản lý ngành, lĩnh vực;
b)
Thông báo cho tất cả các nhà đầu tư đã nộp hồ sơ dự thầu về việc sửa đổi hồ sơ
mời thầu và yêu cầu các nhà đầu tư nộp bổ sung hồ sơ dự thầu đối với nội dung
sửa đổi hoặc các nội dung khác của hồ sơ dự thầu nếu có sự tác động của nội
dung sửa đổi hồ sơ mời thầu (nếu cần thiết);
c) Tổ
chức đánh giá lại hồ sơ dự thầu.
4.
Trường hợp sau khi lựa chọn danh sách ngắn đối với dự án đầu tư có sử dụng đất
áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế nhưng có ít hơn 03 nhà đầu tư đáp ứng yêu
cầu của dự án, bên mời thầu báo cáo người có thẩm quyền xem xét, phê duyệt danh
sách ngắn có ít hơn 03 nhà đầu tư.
5.
Trường hợp sau khi đánh giá hồ sơ dự thầu mà có từ hai nhà đầu tư trở lên có
điểm tổng hợp cao nhất và ngang nhau thì nhà đầu tư có điểm cao hơn về hiệu quả
sử dụng đất đối với dự án quy định tại khoản 1 Điều 4 của
Nghị định này hoặc nhà đầu tư có điểm cao hơn về năng lực, kinh nghiệm
đối với dự án quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h
và k khoản 2 Điều 4 của Nghị định này hoặc nhà đầu tư có điểm cao hơn
về hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương đối với dự án quy
định tại điểm i khoản 2 Điều 4 của Nghị định này được
xem xét, đề nghị trúng thầu.
6.
Trường hợp tại thời điểm ký kết hợp đồng, nhà đầu tư trúng thầu không còn đáp
ứng điều kiện về năng lực kỹ thuật, tài chính để thực hiện dự án đầu tư có sử
dụng đất theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu thì mời nhà đầu tư xếp hạng tiếp theo
đàm phán, hoàn thiện hợp đồng. Trong trường hợp này, nhà đầu tư được mời đàm
phán, hoàn thiện hợp đồng phải khôi phục lại hiệu lực của hồ sơ dự thầu và bảo
đảm dự thầu trong trường hợp hồ sơ dự thầu hết hiệu lực và bảo đảm dự thầu của
nhà đầu tư đã được hoàn trả hoặc giải tỏa.
7.
Trường hợp nhà đầu tư liên danh trúng thầu nhưng chưa ký kết hợp đồng dự án
hoặc hợp đồng dự án đã được ký kết nhưng chưa có hiệu lực, khi có sự điều chỉnh
tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu trong liên danh, bên mời thầu phải đánh giá, cập nhật
thông tin năng lực của nhà đầu tư theo quy định tại Điều
46 của Nghị định này, bảo đảm nhà đầu tư đủ năng lực, tỷ lệ vốn chủ sở hữu
tối thiểu của từng thành viên theo quy định tại Điều 46
của Nghị định này. Sau khi cập nhật thông tin năng lực, bên mời thầu báo
cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện các thủ tục tiếp theo
quy định tại Nghị định này.
8.
Trường hợp gặp sự cố dẫn đến Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia không thể vận hành
và việc khắc phục sự cố dự kiến diễn ra trong thời gian dài, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư thông báo trên Hệ thống cách thức tổ chức lựa chọn nhà đầu tư trong thời
gian Hệ thống gặp sự cố và xử lý sự cố, trong đó có việc tổ chức lựa chọn nhà
đầu tư không qua mạng.
9.
Trường hợp bên mời quan tâm, bên mời thầu đăng tải thông tin trên Hệ thống mạng
đấu thầu quốc gia khác với các thông tin đã được phê duyệt trước thời điểm đóng
thầu thì bên mời quan tâm, bên mời thầu báo cáo người có thẩm quyền hủy thông
tin đã đăng tải để tiến hành đăng tải lại.
10.
Trường hợp chi nhánh, xí nghiệp, văn phòng đại diện được tách ra khỏi pháp nhân
theo quy định của pháp luật về dân sự thì nhà đầu tư tiếp nhận hoặc nhà đầu tư
hình thành từ chi nhánh, xí nghiệp, văn phòng đại diện được kế thừa năng lực,
kinh nghiệm trong đấu thầu mà chi nhánh, xí nghiệp, văn phòng đại diện đã thực
hiện.
11.
Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà đối tác do nhà đầu tư đã đề xuất tại hồ sơ
dự thầu không thể tham gia trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhà đầu tư được
thay đổi đối tác khác có năng lực, kinh nghiệm tương đương hoặc cao hơn đối tác
do nhà đầu tư đề xuất tại hồ sơ dự thầu nhưng phải bảo đảm không làm ảnh hưởng
các đề xuất khác trong hồ sơ dự thầu. Trong trường hợp này, bên mời thầu xem
xét, đánh giá năng lực, kinh nghiệm của đối tác trên cơ sở yêu cầu của hồ sơ
mời thầu, báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định.
12. Đối
với các dự án chưa có dự án tương tự về tổng vốn đầu tư, căn cứ dữ liệu trên Hệ
thống mạng đấu thầu quốc gia về các dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư, bên mời
quan tâm, bên mời thầu báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quy định tại hồ sơ
mời quan tâm, hồ sơ mời thầu yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự
bằng hoặc không thấp hơn 90% mức yêu cầu trong hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời
thầu của dự án cùng ngành, lĩnh vực có tổng vốn đầu tư gần nhất với dự án đang
xét. Trong trường hợp này, người có thẩm quyền được quy định giá trị bảo đảm
thực hiện hợp đồng là 3% tổng vốn đầu tư của dự án.
13. Đối
với các dự án có yêu cầu ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ
thân thiện với môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất nhằm giảm thiểu ô nhiễm
môi trường, nhà đầu tư được sử dụng dự án, công trình do mình góp vốn chủ sở
hữu và trực tiếp thực hiện mà công nghệ đã được đưa vào vận hành thử nghiệm
thành công để chứng minh kinh nghiệm công trình, dự án tương tự. Dự án tương tự
phải có tài liệu chứng minh công nghệ, kỹ thuật được công nhận theo quy định
của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực và pháp luật khác có liên quan. Trong
trường hợp này, người có thẩm quyền quy định giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng
là 3% tổng vốn đầu tư của dự án.
14.
Trường hợp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án có phân kỳ tiến độ thì
bên mời thầu báo cáo người có thẩm quyền quy định trong hồ sơ mời thầu nội dung
bảo đảm thực hiện hợp đồng được hoàn trả theo từng phân kỳ căn cứ thỏa thuận
tại hợp đồng dự án, trừ trường hợp không được hoàn trả.
15.
Ngoài các tình huống quy định từ khoản 1 đến khoản 14 Điều này, khi phát sinh
tình huống trong lựa chọn nhà đầu tư, bên mời quan tâm, bên mời thầu báo cáo
người có thẩm quyền xem xét, quyết định trên cơ sở bảo đảm các mục tiêu của đấu
thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải
trình.
Điều 60. Kiểm tra hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà
đầu tư
1. Thẩm
quyền kiểm tra hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư:
a) Bộ
Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổ chức kiểm tra hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà
đầu tư theo kế hoạch định kỳ trên phạm vi cả nước;
b) Bộ
trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế chủ trì, tổ
chức kiểm tra hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án do mình là
người có thẩm quyền;
c) Chủ
tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, tổ chức kiểm tra hoạt động đấu thầu lựa
chọn nhà đầu tư đối với dự án do mình là người có thẩm quyền. Sở Kế hoạch và
Đầu tư chịu trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức kiểm tra
hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tại địa phương.
2. Nội
dung kiểm tra hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư:
a) Việc
ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác lựa chọn nhà đầu tư;
b) Công
bố dự án đầu tư có sử dụng đất (đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương
đầu tư); lập, phê duyệt, công bố thông tin dự án đầu tư có sử dụng đất (đối với
dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư);
c) Lập,
phê duyệt hồ sơ mời quan tâm; đánh giá hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, phê duyệt
kết quả mời quan tâm;
d) Lập,
thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định, phê
duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư;
đ) Nội
dung hợp đồng đã ký kết và việc tuân thủ các căn cứ pháp lý trong việc ký kết
và thực hiện hợp đồng;
e) Các
nội dung cần thiết khác.
3.
Trách nhiệm của đoàn kiểm tra, thành viên đoàn kiểm tra, tổ chức, cá nhân, đơn
vị được kiểm tra, nguyên tắc tổ chức, hình thức, phương thức, thời gian, kinh
phí, quy trình, thủ tục kiểm tra thực hiện theo quy định tương ứng tại
các Điều 115, 116, 117, 118, 119,
120, 121 và 122 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày
27 tháng 02 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp
thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Điều 61. Giám sát hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà
đầu tư
1. Việc
giám sát hoạt động lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại điểm
a khoản 3 Điều 86 của Luật Đấu thầu được thực hiện lồng ghép với hoạt
động giám sát dự án đầu tư hoặc giám sát tổng thể đầu tư của cơ quan quản lý
nhà nước về đầu tư, cơ quan đăng ký về đầu tư theo quy định của pháp luật về
đầu tư.
2. Thẩm
quyền giám sát hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư:
a) Bộ
trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế chủ trì, tổ
chức giám sát hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án do mình là
người có thẩm quyền hoặc thuộc lĩnh vực quản lý;
b) Chủ
tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, tổ chức giám sát hoạt động đấu thầu lựa
chọn nhà đầu tư đối với dự án do mình là người có thẩm quyền trên địa bàn quản
lý. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
tổ chức giám sát hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tại địa phương mình.
3. Nội
dung giám sát lựa chọn nhà đầu tư:
a) Công
bố dự án đầu tư có sử dụng đất (đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương
đầu tư); lập, phê duyệt, công bố thông tin dự án đầu tư có sử dụng đất (đối với
dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư);
b) Lập,
thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu;
c) Đánh
giá hồ sơ dự thầu;
d) Thẩm
định kết quả lựa chọn nhà đầu tư;
đ) Kết
quả đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng.
4. Hết thời hạn hợp đồng, cơ quan có thẩm
quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư giám sát dự án đầu tư hoặc
giám sát tổng thể đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, bảo đảm nhà đầu
tư thực hiện đầy đủ các cam kết trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu
tư.
Phòng Nghiệp Vụ 3