Quy định về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về nhà ở
(Nguồn: Luật Nhà ở năm 2014, có hiệu lực thi hành kể
từ ngày 28/7/2024)
Điều 177. Giải quyết tranh chấp về nhà ở
1. Nhà nước khuyến khích các bên giải quyết
tranh chấp về nhà ở thông qua hòa giải.
2. Tranh chấp về quyền sở
hữu, quyền sử dụng nhà ở thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân, tranh chấp liên
quan đến hợp đồng về nhà ở, hợp đồng quản lý vận hành nhà chung cư do Tòa án
nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật.
3. Tranh chấp về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc
sở hữu nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết đối với nhà ở được giao
cho địa phương quản lý, Bộ Xây dựng giải quyết đối với nhà ở được giao cho cơ
quan trung ương quản lý; trường hợp không đồng ý với quyết định của Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh hoặc Bộ Xây dựng thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo
quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
4. Tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành
nhà chung cư, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung
cư do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở đó giải quyết; trường hợp không
đồng ý với quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì có quyền khởi kiện tại
Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Điều
178. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về nhà ở
1. Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu
nại, tố cáo liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở được thực hiện theo quy
định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo.
2. Khi có quyết định giải quyết khiếu nại, tố
cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nhà ở hoặc bản án, quyết định của Tòa
án đã có hiệu lực pháp luật thì các bên có liên quan phải thi hành các quyết
định hoặc bản án đó.
Điều
179. Xử lý đối với người vi phạm pháp luật về nhà ở
1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về nhà
ở thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy
cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. Người có hành vi vi phạm sau đây khi thi
hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử
phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy
định của pháp luật trong việc quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà
ở; thẩm định, phê duyệt dự án xây dựng nhà ở; quyết định, thẩm định giá bán,
giá thuê, giá thuê mua nhà ở; thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở; xác định
nghĩa vụ tài chính về nhà ở; quản lý, cung cấp thông tin về nhà ở và quy định
khác trong việc phát triển, quản lý, giao dịch về nhà ở quy định tại Luật này;
b) Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra
vi phạm pháp luật về nhà ở hoặc có hành vi vi phạm khác gây thiệt hại đến lợi
ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân
tham gia phát triển nhà ở, của chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng hợp pháp nhà
ở;
c) Vi phạm quy định về trình tự, thủ tục hành
chính trong lĩnh vực nhà ở, quy định về báo cáo, thống kê trong phát triển và
quản lý nhà ở.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều
180. Xử lý vi phạm pháp luật về nhà ở khi gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức,
hộ gia đình, cá nhân
Người có
hành vi vi phạm pháp luật về nhà ở nếu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước,
quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thì ngoài việc bị xử
lý theo quy định tại Điều 179 của Luật này còn
phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại.
Phòng Nghiệp Vụ 3