(Nguồn: Luật Phòng, chống rửa tiền ban hành ngày
15/11/2022, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2023.)
Điều 5. Nguyên tắc trong phòng, chống rửa tiền
1. Việc phòng,
chống rửa tiền phải thực hiện theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo đảm
chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia; bảo đảm
hoạt động bình thường về kinh tế, đầu tư; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của
tổ chức, cá nhân; chống lạm quyền, lợi dụng việc phòng, chống rửa tiền để xâm
phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Hành vi rửa
tiền phải được xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Biện pháp
phòng, chống rửa tiền phải được thực hiện đồng bộ, kịp thời.
Điều 6. Hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền
1. Hợp tác quốc
tế về phòng, chống rửa tiền được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập,
chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, các bên cùng có lợi, tuân thủ
quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam với
bên ký kết nước ngoài.
Trường hợp giữa
Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, việc trao
đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin trong hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa
tiền được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật
Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.
2. Cơ quan nhà
nước có thẩm quyền, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, thực hiện hợp
tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền với các nội dung sau đây:
a) Xác định,
phong tỏa tài sản của người phạm tội rửa tiền;
b) Thực hiện
tương trợ tư pháp;
c) Trao đổi, cung
cấp, chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền với cơ quan có thẩm quyền
nước ngoài;
d) Nghiên cứu,
đào tạo, hỗ trợ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, trợ giúp tài chính và trao đổi kinh
nghiệm về phòng, chống rửa tiền;
đ) Nội dung hợp
tác khác về phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật.
3. Cơ quan nhà
nước có thẩm quyền, trong quá trình hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền,
có thể từ chối trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa
tiền trong các trường hợp sau đây:
a) Thông tin được
yêu cầu trao đổi, cung cấp, chuyển giao có thể gây tổn hại đến độc lập, chủ
quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia hoặc lợi ích
quan trọng khác của Việt Nam;
b) Thông tin được
yêu cầu trao đổi, cung cấp, chuyển giao không phù hợp với điều ước quốc tế mà
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế giữa
bên ký kết Việt Nam với bên ký kết nước ngoài hoặc quy định của pháp luật Việt
Nam;
c) Yêu cầu trao
đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định của
pháp luật;
d) Cơ quan có
thẩm quyền nước ngoài không cam kết hoặc không thực hiện bảo mật thông tin được
trao đổi, cung cấp, chuyển giao theo chế độ bảo mật tương ứng với quy định về
bảo vệ bí mật nhà nước của Việt Nam đối với thông tin mà cơ quan nhà nước có
thẩm quyền trong nước trao đổi, cung cấp, chuyển giao.
4. Quy trình, thủ
tục, phương thức hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền thực hiện theo điều
ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận
quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, các quy định khác
của pháp luật có liên quan.
5. Hằng năm hoặc
khi có yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan nhà nước có thẩm quyền
của Việt Nam có trách nhiệm cung cấp nội dung hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa
tiền với các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Phòng Nghiệp Vụ 3