Các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản
Lượt xem: 362

(Nguồn: Nghị định 38/2024/NĐ-CP ban hành ngày 05/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2024)

Điều 5. Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền và áp dụng xử phạt vi phạm hành chính

1. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện trong lĩnh vực thủy sản là 1.000.000.000 đồng.

2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

3. Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền xử phạt đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền phạt tiền cá nhân.

4. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm c và đ khoản 1; điểm c khoản 2; điểm b khoản 3 Điều 20 Nghị định này được thực hiện như sau:

a) Trường hợp chủ tàu cá không đồng thời là thuyền trưởng tàu cá thì từng đối tượng vi phạm đều bị áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả quy định tương ứng đối với đối tượng và hành vi vi phạm hành chính đó;

b) Trường hợp chủ tàu cá đồng thời là thuyền trưởng tàu cá thì chỉ áp dụng hình thức xử phạt chính đối với thuyền trưởng tàu cá và áp dụng đầy đủ các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó.

5. Đối với trường hợp chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm để xử phạt theo quy định của Nghị định này.

Trường hợp tang vật vi phạm là loài thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thì áp dụng quy định xử phạt như loài thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I.

6. Vi phạm về khai thác các loài thủy sản thuộc Phụ lục I, II và III Công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (viết tắt là CITES) mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử lý như sau:

a) Trường hợp các loài thủy sản thuộc Phụ lục I CITES thì xử phạt vi phạm như đối với loài thủy sản thuộc Danh mục các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I;

b) Trường hợp các loài thủy sản thuộc Phụ lục II và Phụ lục III CITES thì xử phạt vi phạm như đối với loài thủy sản thuộc Danh mục các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm II.

7. Các sản phẩm loài thủy sản thuộc Phụ lục I CITES hoặc loài thủy sản, bộ phận cơ thể, sản phẩm của chúng thuộc Phụ lục II và Phụ lục III CITES thì phải xác định giá trị bằng tiền của loài thủy sản, bộ phận cơ thể, sản phẩm của chúng để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính.

Trường hợp không truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định này.

8. Ranh giới vùng biển được phép khai thác thủy sản là vùng biển đã được phân định để tàu cá Việt Nam khai thác hợp pháp, được thể hiện trên hệ thống giám sát tàu cá và thiết bị giám sát hành trình lắp trên tàu cá.

Điều 20. Vi phạm nghiêm trọng trong khai thác thủy sản

1. Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét khai thác thủy sản trên biển không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn;

b) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên để thăm dò, tìm kiếm, dẫn dụ, vận chuyển thủy sản, sản phẩm thủy sản cho tàu cá không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thuỷ sản hết hạn;

c) Không duy trì việc truyền thông tin từ thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá về hệ thống giám sát tàu cá theo quy định hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá hoặc không có thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá khi hoạt động đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên;

d) Không có hoặc không ghi nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần;

đ) Không duy trì việc truyền thông tin từ thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá về hệ thống giám sát tàu cá theo quy định hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá hoặc không có thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá khi hoạt động đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần.

2. Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét khai thác thủy sản trên biển không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần;

b) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên để chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản từ tàu cá không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản hết hạn hoặc hỗ trợ hoạt động thăm dò, tìm kiếm, dẫn dụ, vận chuyển thủy sản cho tàu cá được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần;

c) Không duy trì việc truyền thông tin từ thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá về hệ thống giám sát tàu cá theo quy định hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá hoặc không có thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá khi hoạt động đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần;

d) Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

đ) Không ghi nhật ký khai thác thủy sản hoặc ghi không chính xác so với yêu cầu của Tổ chức nghề cá khu vực hoặc báo cáo sai quy định của Tổ chức nghề cá khu vực khi hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực;

e) Khai thác thủy sản quá hạn mức do Tổ chức nghề cá khu vực cấp phép.

3. Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên khai thác thủy sản trên biển không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn;

b) Khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực mà không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản hết hạn hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn;

c) Sử dụng tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam mà không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản hết hạn;

d) Sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực;

đ) Sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực;

e) Khai thác thủy sản không đúng quy định tại vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực;

g) Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong trường hợp tái phạm;

h) Khai thác thủy sản quá hạn mức do Tổ chức nghề cá khu vực cấp phép trong trường hợp tái phạm.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu thủy sản khai thác đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b và đ khoản 1, các điểm a, b, c và e khoản 2, các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 3 Điều này;

b) Tịch thu tàu cá đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 3 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này;

d) Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 2 và các điểm đ, e và h khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

 Buộc chủ tàu cá chi trả kinh phí đưa công dân Việt Nam bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ, xử lý về nước đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

Phòng Nghiệp Vụ 3

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP

Thành phần của Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận
Địa chỉ: 06 Nguyễn Tất Thành, phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Điện Thoại: (0252) 3.822.889 - Fax: (0252) 3.821.697
Email: stp@binhthuan.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang