Pháp lý về thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Lượt xem: 3854

Pháp lý về thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

 

Theo quy định tại khoản 1, Điều 644 Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

- Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Vì vậy, theo quy định về pháp luật thừa kế hiện nay cho phép cá nhân người lập di chúc có quyền tự do, tự nguyện, tự định đoạt trong việc lập di chúc để lại tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bất kỳ ai được hưởng sau khi người lập di chúc chết. Tuy nhiên, pháp luật thừa kế cũng có những quy định hạn chế đối với quyền tự định đoạt của người lập di chúc trong trường hợp nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của những người là cha, mẹ, vợ, chồng, các con dưới 18 tuổi của người lập di chúc và các con tuy đã trưởng thành mà không có khả năng lao động của người để lại di sản. Theo quy định này thì, mặc dù không được di chúc chia phần di sản để lại nhưng những người thân thích của người để lại di sản theo quy định nêu trên vẫn được pháp luật bảo đảm quyền lợi của mình trong việc thụ hưởng phần tài sản của người lập di chúc để lại.

Việc xác định phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật được xác định theo nguyên tắc lấy tổng di sản là phần di sản còn lại để chia thừa kế, sau khi đã thanh toán toàn bộ nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại gồm: Mai táng phí cho người đó; các khoản cấp dưỡng còn thiếu; các khoản bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác; các khoản nợ của nhà nước, của các chủ thể khác; chi phí quản lý, bảo quản di sản… Phần di sản còn lại được hiểu là di sản để chia thừa kế và là phần di sản để đem chia cho những người thừa kế tại hàng thừa kế thứ nhất có quyền hưởng, được bao nhiêu nhân với hai phần ba của suất đó và người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc được hưởng.  

Như vậy, việc xác định hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, để bảo vệ quyền thừa kế của các con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng và con thành niên của người để lại di sản theo di chúc mà không có khả năng lao động trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, thì mỗi người trong số họ vẫn được hưởng phần tối thiểu bằng hai phần ba suất thừa kế chia theo pháp luật theo quy định tại Điều 644 Bộ Luật dân sự năm 2015.

Có thể thấy, pháp luật về thừa kế quy định tại Bộ luật dân sự đã có những dự liệu phù hợp với thực tiễn cuộc sống nhằm bảo vệ cho những người yếu thế trong mối quan hệ của pháp luật thừa kế để họ có thể được thụ hưởng phần di sản trong trường hợp không được người lập di chúc cho hưởng di sản./.

Thanh Luân

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP

Thành phần của Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận
Địa chỉ: 06 Nguyễn Tất Thành, phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Điện Thoại: (0252) 3.822.889 - Fax: (0252) 3.821.697
Email: stp@binhthuan.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang