Thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính liên quan đến hoạt động bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Thực tiễn thi hành
Luật Tố tụng hành chính liên quan đến hoạt động bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Vừa qua, thực hiện Quyết
định số 1450/QĐ-BTP ngày 01/8/2023
của
Bộ
Tư pháp ban hành Kế hoạch rà soát, tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 liên quan đến chức năng,
nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp; Sở
Tư pháp tỉnh Bình Thuận đã có Báo cáo số 173/BC-STP ngày 11/8/2023 về kết quả thi hành Luật Tố tụng hành chính liên quan
đến hoạt động bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, cụ thể như sau:
1. Về công tác chỉ đạo, tổ chức triển
khai thi hành Luật Tố tụng hành
chính năm 2015
Luật Tố tụng
hành chính năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10, có hiệu
lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Luật TTHC năm 2015 có nhiều sửa đổi, bổ sung
quan trọng có tính khả thi cao, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện
các quyền, nghĩa vụ của mình; đề cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng
trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật, tôn trọng, bảo đảm quyền con người,
quyền công dân.
Sau khi Luật Tố tụng hành
chính năm 2015, Nghị định
số 71/2016/NĐ-CP ngày
01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự
thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi
hành bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành, Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan thường
trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều Kế
hoạch, Chương trình thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong đó có
tuyên truyền, phổ biến Luật Tố tụng hành chính năm
2015, Nghị định
số 71/2016/NĐ-CP ngày
01/7/2016 của Chính phủ rộng rãi trên địa bàn tỉnh thông qua lồng ghép trong công tác tuyên truyền, phổ
biến pháp luật và trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức liên quan để triển khai thực hiện
nghiêm túc. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh
chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh quán triệt, triển khai các văn bản trên cùng với Công văn số
2958/TCTHADS-NV3 ngày 08/9/2016 của Tổng cục Thi hành án dân sự về triển khai
thi hành và hướng dẫn nghiệp vụ theo dõi thi hành án hành chính theo Nghị định
số 71/2016/NĐ-CP; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ
đến toàn thể công chức, người lao động của Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các
Chi cục thi hành án dân sự trực thuộc để triển khai thi hành hiệu quả chức năng
theo dõi thi hành án hành chính theo quy định pháp luật, nhằm đảm bảo công tác
thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh được thực hiện một cách có hiệu quả.
Ngoài
ra, Sở Tư pháp cũng đã chỉ đạo Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị phổ biến
Luật Tố tụng hành chính cho toàn
thể viên chức Trung tâm, đồng thời phối hợp với Hội đồng
phối hợp liên ngành tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, triển khai nội dung Luật Tố tụng hành chính và các
văn bản liên quan cho thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành như: Thẩm phán,
Điều tra viên, Kiểm sát viên và Luật sư cộng tác viên, Trợ giúp viên pháp lý và
chuyên viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức
trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn về
việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính.
2. Kết quả thi hành, những thuận lợi trong quá trình thi hành các quy định
của Luật Tố tụng hành chính năm 2015
- Thực hiện theo dõi thi hành pháp luật tố tụng hành chính
của các tổ chức bổ trợ tư pháp như: luật sư, Giám định tư pháp,
Công chứng, Trợ giúp pháp lý, trong kỳ báo cáo (từ ngày 01/7/2016 đến ngày
01/7/2023) không có quyết định hành chính, hành vi hành
chính nào liên quan đến hoạt động bổ trợ tư pháp bị khiếu kiện.
- Đối với Sở Tư pháp, trong năm 2022, Sở Tư pháp là người bị
kiện trong 01 vụ án hành chính do người dân khởi kiện về việc “Khiếu kiện quyết
định hành chính, hành vi hành chính về đăng tải thông tin ngăn chặn giao dịch
dân sự”. Sở Tư pháp đã cử người tham gia phiên tòa, đối thoại, giải trình, cung
cấp kịp thời đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến hành vi hành chính bị khởi
kiện. Vụ án này đã được TAND tỉnh Bình Thuận xét xử sơ thẩm và TAND cấp cao tại
thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm, theo đó TAND 02 cấp đều tuyên xử hành
vi hành chính của Sở Tư pháp về đăng tải thông tin ngăn chặn là đúng thẩm quyền.
- Trợ giúp viên
pháp lý và Luật sư tham gia với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp cho đối tượng trợ giúp pháp lý là người khởi kiện trong các vụ án hành
chính: 04 vụ. Cả 04 vụ án hành chính này do Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư là
Cộng tác viên của Trung tâm tham gia đều đạt kết quả tốt, được Tòa án chấp nhận
toàn bộ hoặc một phần yêu cầu của người khởi kiện. Từ kết quả đó cho thấy Trợ
giúp viên pháp lý với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối
tượng trợ giúp pháp lý là người khởi kiện trong các vụ án hành chính đã góp phần
không nhỏ vào quá trình giải quyết vụ án, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng
xác định sự thật khách quan của vụ án, làm sáng tỏ các tình tiết vụ án, đảm bảo
quyền lợi của người được trợ giúp pháp lý.
Qua quá trình
tham gia tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh đánh giá cao
vai trò của Trợ giúp viên pháp lý, các vụ án có Trợ giúp viên pháp lý tham gia
giúp người dân tin tưởng vào cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng,
vụ án được giải quyết nhanh chóng, ít có vụ án bị trả hồ sơ, bản án bị kháng
cáo, kháng nghị; nhiều vụ án phức tạp, kéo dài nhưng có Trợ giúp viên pháp lý
tham gia tư vấn pháp luật, hòa giải, các đương sự đã thỏa thuận được với nhau về
việc giải quyết vụ án, đảm bảo quyền lợi tốt nhất của các đối tượng trợ giúp
pháp lý theo quy định của pháp luật.
3. Tồn tại, hạn chế
Qua thực tiễn theo dõi tình hình thi
hành Luật tố tụng hành chính năm 2015, năng lực, trình độ của một số công chức
tham mưu công tác thi hành án hành chính ở một số nơi, một số cơ quan chưa đáp
ứng được yêu cầu đặt ra, vẫn còn lúng túng dẫn đến chậm tham mưu hoặc tham mưu
chưa đầy đủ trong công tác chấp hành pháp luật thi hành án hành chính; công tác
phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với TAND trong việc chuyển giao bản án
hành chính, giải quyết yêu cầu thi hành bản án, quyết định hành chính của đương
sự còn chưa thường xuyên, kịp thời; Một số cơ quan chuyên
môn có hoạt động giám định chưa thường xuyên, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ
biến pháp luật về Luật Tố tụng hành chính năm 2015 cho
cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của đơn vị mình.
4. Khó khăn, vướng mắc
Việc xác định
quyết định hành chính và hành vi hành chính rất khó khăn, do khái niệm mang nội
hàm rộng; Việc giải quyết án hành chính do có liên quan đến nhiều lĩnh vực của
đời sống xã hội, được điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác
nhau, đặc biệt là các quy phạm pháp luật về đất đai và các chính sách liên quan
có nhiều thay đổi theo từng thời kỳ, thời điểm đòi hỏi cần có nhiều thời gian
thu thập, tập hợp tài liệu, tìm hiểu, nghiên cứu, trao đổi cũng như yêu cầu các
cơ quan có thẩm quyền giải thích những chồng chéo, bất cập gây nhiều khó khăn
trong việc áp dụng pháp luật…
Điều
60 của Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định: “…trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được
ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện.
Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực
hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này”
và “… Người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người thứ ba.”; trong
thực tế quá trình thụ lý và giải quyết án hành chính tại Tòa án gặp nhiều khó
khăn đó là: người đứng đầu cơ quan do bận rất nhiều công việc chuyên môn nên ít
tham gia một cách đầy đủ quá trình tố tụng như: Tiếp cận công khai chứng cứ, đối
thoại và xét xử, trong khi đó có nhiều vụ án người khởi kiện lại xin được đối
thoại trực tiếp với người bị kiện, nếu người bị kiện vắng mặt thì họ tiếp tục
yêu cầu Tòa án mở phiên đối thoại khác. Do đó, đã làm ảnh hưởng việc giải quyết
vụ án phải kéo dài về mặt thời gian.
Do pháp luật chưa quy định rõ việc
người phải thi hành án phải ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ đối với một phần
hoặc toàn bộ quyết định hành chính bị tuyên hủy hay không nên trên thực tế đã dẫn
đến những cách hiểu và áp dụng khác nhau (điểm b khoản 1 Điều 311 Luật Tố tụng hành
chính năm 2015; khoản 1 Điều 16 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP).
5. Đề xuất, kiến nghị
Kiến nghị sửa đổi,
bổ sung Luật Tố tụng hành chính theo hướng mở rộng phạm vi ủy quyền của người bị
kiện (khoản 3 điều 60 Luật Tố tụng hành chính). Đồng thời, Luật Tố tụng hành chính cần quy định rõ theo hướng người
phải thi hành án không phải ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ đối với một phần
hoặc toàn bộ quyết định hành chính bị tuyên hủy, nhưng phải thông báo cho các tổ
chức, cá nhân có liên quan biết để tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính
không cần thiết./.
Phòng
Nghiệp vụ 2