Những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật Tố tụng hành chính năm 2015 liên quan đến trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy ban nhân dân
Lượt xem: 3249

Những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật Tố tụng hành chính năm 2015 liên quan đến trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy ban nhân dân

 

Thực hiện Công văn số 2997/BTP-TCTHADS ngày 14/7/2023 của Bộ Tư pháp; ngày 15/8/2023 Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành Báo cáo số 184/BC-UBND báo cáo tổng kết Luật Tố tụng hành chính năm 2015 liên quan đến trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy ban nhân dân và tổng kết Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc:

 Công tác theo dõi thi hành án hành chính mặc dù được quan tâm, tăng cường thực hiện; các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án đã có sự quan tâm, cố gắng nhưng kết quả các bản án hành chính được thi hành xong trong thời gian qua vẫn còn thấp, có vụ việc tồn đọng kéo dài nhiều năm. Nội dung các vụ việc phải thi hành khá phức tạp vì liên quan đến chính sách về đất đai như: Thu hồi đất, giải tỏa, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…, thủ tục giải quyết phải qua nhiều bước và liên quan đến nhiều cơ quan, ban, ngành nên thời gian thi hành án thường phải kéo dài.

Việc theo dõi án hành chính là công việc khó, phức tạp, đội ngũ cán bộ, chấp hành viên phụ trách công tác thi hành án hành chính chưa có nhiều kinh nghiệm dẫn đến công tác tham mưu đôi lúc chưa kịp thời, hiệu quả. Mặc dù vẫn còn nhiều bản án hành chính chậm được thi hành, nhưng hiện nay chưa có trường hợp cụ thể nào cơ quan thi hành án dân sự đề xuất, kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thi hành án; chưa có trường hợp nào xử phạt hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với người phải thi hành án chậm thi hành án hành chính theo quy định.

Nguyên nhân của những bất cập nêu trên:

(1) Một số quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định chưa cụ thể, còn mang tính nguyên tắc, khó khăn trong áp dụng. Các cơ quan thi hành án dân sự hiện nay quá tải về công việc, chưa có phòng hoặc bộ phận chuyên môn thực hiện công tác theo dõi thi hành án hành chính. (2) Trình độ, năng lực của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay. Ý thức, tinh thần trách nhiệm trong công tác thi hành án hành chính của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa cao; chưa thật sự quan tâm, còn lúng túng, thiếu tập trung, kiên quyết trong chỉ đạo tổ chức thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật thuộc trách nhiệm phải thi hành. Sự phối hợp giữa các phòng, ban cấp huyện trong tham mưu và giữa Ủy ban nhân dân cấp huyện với các sở, ngành chức năng của tỉnh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành án một số bản án hành chính chưa kịp thời, thường xuyên. (3) Hầu hết các vụ án hành chính, người phải thi hành án là Ủy ban nhân dân hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nên cơ quan thi hành án nói chung và chấp hành viên trực tiếp theo dõi thi hành án hành chính nói riêng còn tâm lý nể nang, chưa cương quyết trong việc đôn đốc thi hành án hoặc kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với việc chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án. Việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính cho cơ quan thi hành án dân sự để theo dõi có trường hợp còn chưa kịp thời theo đúng quy định; trong khi đây là cơ sở quan trọng, phát sinh trách nhiệm theo dõi thi hành án hành chính của các cơ quan thi hành án dân sự.

Trên cơ sở kết quả đánh giá kết quả thực hiện, nhất là về những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và các văn bản pháp luật liên quan nhằm nâng cao hiệu quả thi hành, cụ thể như sau:

(1) Quy định về quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định hành chính bị kiện, hành vi hành chính bị kiện tại Điều 3 Luật Tố tụng hành chính: Bổ sung khái niệm quyết định hành chính, hành vi hành chính theo hướng có loại bỏ các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện; bổ sung quy định theo hướng xác định yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính là yêu cầu dân sự trong vụ án hành chính, người yêu cầu là nguyên đơn dân sự, người bị yêu cầu là bị đơn dân sự. (2) Về thẩm quyền của Tòa án: Sửa đổi theo hướng xác định thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện. (3) Bổ sung quy định kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào quy định của Điều 59 Luật Tố tụng hành chính. (4) Sửa đổi khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính theo hướng cho phép ủy quyền đến người đứng đầu cơ quan chuyên môn trực thuộc. Sửa đổi khoản 5 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính theo hướng chỉ cấm việc ủy quyền lại đối với người bị kiện, không cấm đối với các chủ thể tham gia tố tụng khác, trừ trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến đối tượng bị kiện trong vụ án và cần được xem xét, đánh giá trong cùng vụ án. (5) Bổ sung khoản 4 Điều 163 Luật Tố tụng hành chính trường hợp chưa ấn định được thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa thì Tòa án thông báo sau, tuy nhiên không được vượt quá thời hạn được quy định tại khoản 1 Điều này. (6) Bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 177 Luật Tố tụng hành chính theo hướng: “Việc đặt câu hỏi phải rõ ràng, nghiêm túc, không trùng lặp, không lợi dụng việc hỏi và trả lời để xâm phạm danh dự, nhân phẩm của những người tham gia tố tụng. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không đặt câu hỏi đối với người mà mình bảo vệ”. (7) Sửa đổi khoản 1 Điều 312 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định về thời hạn người được thi hành án đề nghị Tòa án ra quyết định buộc thi hành án hành chính trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hạn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 311 (trừ trường hợp trở ngại khách quan) cho phù hợp thực tế vì thời hạn trên là quá ít dẫn đến có vụ việc người dân không nắm rõ nên không yêu cầu đúng hạn. (8) Đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 71/2016/NĐ-CP: khoản 3 Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định khi nhận được Quyết định buộc thi hành án hành chính, trong thời hạn 03 ngày làm việc chấp hành viên phải làm việc với người phải thi hành án để đôn đốc thi hành án; tuy nhiên, trên thực tế người phải thi hành án chủ yếu là Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và lịch công tác thường được sắp xếp trước nên khó đảm bảo làm việc đúng thời hạn. Quy định xử phạt theo Nghị định số 71/2016/NĐ-CP là chưa rõ, cũng chưa cụ thể để áp dụng; việc hiểu như thế nào là cố tình trì hoãn, không chấp hành… để kiến nghị xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu cũng chưa rõ nên khó kiến nghị xử lý.

Phương Đặng

Tin khác
1 2 3 4 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP

Thành phần của Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận
Địa chỉ: 06 Nguyễn Tất Thành, phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Điện Thoại: (0252) 3.822.889 - Fax: (0252) 3.821.697
Email: stp@binhthuan.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang