Một số khó khăn, vướng mắc và giải pháp thực hiện hoạt động BTTP theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
Một
số khó khăn, vướng mắc và giải pháp thực hiện hoạt động BTTP theo quy định của
Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
1. Những khó khăn, vướng mắc
- Về hoạt động giám định: Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân
sự, giám định là một trong những hoạt động quan trọng, góp phần cho công tác
xét xử nhanh chóng, chính xác, đúng quy định. Tuy nhiên, các giám định viên
tư pháp tại các Sở, ngành thực hiện giám định độc lập và làm việc theo chế độ
kiêm nhiệm, sử dụng nơi làm việc tại cơ quan, đơn vị để thực hiện việc giám
định do đó không có nơi bảo quản, lưu giữ hồ sơ, tài liệu. Đối với các vụ việc
cần nhiều giám định viên tham gia giám định thì việc bố trí một nơi làm việc và
lưu giữ tài liệu chung gặp nhiều khó khăn. Đa số các giám định viên chưa có
trang thiết bị, máy móc, phương tiện kỹ thuật riêng phục vụ cho công tác giám
định, chủ yếu tận dụng trang thiết bị, máy móc tại cơ quan, đơn vị nơi làm
việc. Đồng thời máy móc, trang thiết bị kỹ thuật cho công tác giám định chưa
đáp ứng được yêu cầu của công việc. Do đó ảnh hưởng nhiều đến thời gian cũng
như kết quả của công tác giám định.
Trong nhiều văn bản trưng cầu
của Tòa án còn đưa ra những yêu cầu chung chung, không rõ ràng, làm cho giám định viên
khó trả lời hoặc vượt quá khả năng chuyên môn của giám định
viên. Nội dung vụ việc cần giám định được tóm tắt trong trưng cầu giám định còn
sơ sài, vắn tắt, thậm chí không có nội dung, gây khó khăn cho giám định viên trong
việc nghiên cứu tài liệu giám định.
Việc thu thập mẫu, kể cả mẫu
cần giám định lẫn mẫu so sánh cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết
luận (tài liệu gửi là photo, mẫu so sánh không đủ về số lượng, chất lượng)... gây ra những khó khăn, kéo dài thời gian giám định hoặc không đủ cơ sở để
kết luận, phải từ chối giám định.
Mức thu chi phí giám định còn
thấp, không đủ để bù chi, dẫn đến khó khăn trong việc chi trả các chế độ (công
tác phí, ngoài giờ, độc hại hiện vật) cho đội ngũ viên chức, người lao động làm
công tác giám định.
- Về hoạt động công chứng: Mặc dù, Sở Tư pháp đã có nhiều văn bản tuyên
truyền, phổ biến các quy định pháp luật để người dân hiểu rõ giá trị pháp lý
của văn bản công chứng trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên, giao dịch dân sự hiện
nay rất phức tạp, nhất là liên quan đến giao dịch bất động sản. Do đó, nhiều
văn bản công chứng đã bị tuyên bố vô hiệu do tranh chấp giữa các bên giao dịch.
- Về hoạt động Thừa phát lại: Khung mức phí chi cho việc tống đạt văn bản theo quy định Nghị định số
08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính
phủ về tổ chức
và hoạt động Thừa phát lại, tối thiểu là
65.000 đồng/việc và tối đa là 130.000 đồng/việc, trừ trường hợp tống đạt giấy tờ,
hồ sơ, tài liệu ngoài địa bàn cấp tỉnh hoặc ở vùng đảo, quần đảo ngoài địa bàn
cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở thì Tòa án, Viện kiểm sát nhân
dân, cơ quan Thi hành án dân sự thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại về chi
phí tống đạt… Trong khi để tổ chức tống đạt
được, các Văn phòng Thừa phát lại cần phải có một bộ máy các cán bộ nghiệp vụ
tương đối nhiều (phải có trình độ Trung cấp luật trở lên), chi phí rất lớn, nên
nhiều Văn phòng đã từ chối ký hợp đồng tống đạt với các TAND, VKSND.
Bên cạnh đó, Thừa phát lại và
Thư ký nghiệp vụ chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động hành nghề Thừa phát
lại, nhất là thực hiện các hoạt động về tống đạt, xác minh thi hành án và thụ
lý tổ chức thi hành án. Một số cán bộ, công chức cấp xã chưa hiểu rõ
chức năng, nhiệm vụ của Thừa phát lại về việc tống đạt các văn bản của Tòa án
nên đã gây khó khăn. Điều này dẫn đến việc Thừa phát lại thực hiện tống đạt văn
bản đến đương sự còn chưa kịp thời.
- Về hoạt động luật sư: Chế độ thù
lao, bồi dưỡng cho luật sư còn ở mức thấp, chưa bảo đảm cho hoạt động của luật
sư khi tham gia bào chữa chỉ định; chưa có chính sách hỗ trợ kinh phí và trang
bị thêm cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động cho Đoàn Luật sư tỉnh nhằm đáp ứng
được yêu cầu nhiệm vụ là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư tại địa
phương. Hơn nữa, nguồn quỹ để phục cho công tác luật sư còn hạn chế nên việc
trang bị, nâng cấp cơ sở vật chất, bồi dưỡng nghiệp vụ cho luật sư còn gặp nhiều
khó khăn; một số ít luật sư chuyển sang hành nghề các chức danh tư pháp khác.
- Về hoạt động Trợ giúp pháp lý: Nhận thức của một bộ phận
người dân ở còn chưa cao, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, miền núi chưa biết về
TGPL, còn dè dặt khi đến với Trung tâm TGPL; nhận
thức của các cơ quan, ban ngành trong đó có cả một số cơ quan tiến hành tố tụng
về hoạt động TGPL nói chung và về vị trí, vai trò của Trợ giúp viên pháp lý
trong quá trình tố tụng nói riêng chưa đầy đủ. Vì vậy, ở một
số địa phương, cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải
thích, thông báo, thông tin về TGPL theo đúng quy định của pháp luật dẫn đến việc
gửi các văn bản tố tụng cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Ngoài ra, việc thu thập chứng cứ và
chứng minh của đương sự; việc cung cấp tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ
án dân sự của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong phạm vi nhiệm vụ,
quyền hạn của mình (có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và
đúng thời hạn các tài liệu, chứng cứ mà họ đang lưu giữ, quản lý) để Tòa án xem xét, phục vụ xét xử còn nhiều bất cập.
Trên thực tế nhiều vụ việc cho thấy các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan rất
chậm trễ cung cấp tài liệu, chứng cứ làm cho vụ án phải tạm đình chỉ, kéo dài,
gây ảnh hưởng đến việc giải quyết của Tòa án và quyền, lợi ích hợp pháp của các
đương sự; tiến độ giải quyết các vụ án
còn chậm do phụ thuộc vào thời gian trả kết quả đo đạc hoặc kết quả xác minh ý
kiến cơ quan chuyên môn, nhất là các vụ án có liên quan đến tranh chấp bất động
sản.
2. Một số giải pháp và đề xuất, kiến nghị
- Hoạt động tố tụng dân sự tại các phiên tòa thông
qua mô hình xét hỏi kết hợp tranh tụng. Tuy nhiên, thực tiễn công tác xét xử
tại các phiên tòa chưa phát huy được tối đa vai trò của Luật sư trong việc
trình bày các luận cứ, tranh tụng tại phiên tòa mà chủ yếu thông qua xét hỏi.
Do vậy, Bộ luật Tố tụng dân sự cần phát huy được vai trò của Luật sư như nghiên
cứu xây dựng mô hình tranh tụng trong tố tụng dân sự gắn với vai trò của Luật
sư theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 cần xác định
đúng, trúng bản chất hoạt động nghề của Luật sư. Hoàn thiện quy định pháp luật
theo hướng tổ chức hành nghề luật sư không chỉ là tổ chức “bổ trợ tư pháp” và
Luật sư tham gia tố tụng dân sự không chỉ có quyền gần như đương sự hiện nay mà
cần sửa đổi quy định hướng tới thừa nhận Luật sư như một chức danh tư pháp, có
các quyền và trách nhiệm như một người tiến hành tố tụng, có thể được giao
quyền tiến hành và tham gia tiến hành một số hoạt động tố tụng, như: Quyền
quyết định trưng cầu giám định và sử dụng kết quả giám định do Luật sư trưng
cầu để làm căn cứ giải quyết vụ án; quyền làm việc và lập biên bản làm việc với
các bên đương sự, người làm chứng theo trình tự tố tụng. Hoàn thiện hệ thống
pháp luật tố tụng dân sự đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, mâu
thuẫn giữa các quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Hòa giải
tại cơ sở năm 2013, Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án năm 2020, thủ tục hòa
giải trong Luật Đất đai năm 2013, Luật Trọng tài thương mại năm 2010, các nghị
quyết của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật
Tố tụng dân sự, Luật Luật sư,… để góp phần bảo vệ hiệu quả quyền, lợi ích hợp
pháp của các tổ chức, cá nhân.
- Để tạo điều kiện và thu hút đội ngũ luật sư tham gia các hoạt động quản
lý nhà nước của tỉnh, hoàn thành chức năng xã hội của luật sư; thực hiện tốt
vai trò là người bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ cho đương sự theo quy định tố tụng
dân sự, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an
ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thực hiện có hiệu quả mục tiêu của
Đảng và Nhà nước đề ra, cần xem xét tăng chế
độ thù lao, bồi dưỡng cho luật sư, nhất là khi luật sư tham gia bào chữa theo
chỉ định.
Tương tự, cần tăng mức chi phí cho hoạt động của Trợ giúp viên pháp lý và Giám định
viên tư pháp khi tham gia thực hiện nhiệm vụ tố tụng dân sự để thu hút và khuyến khích tham gia hoạt động tố tụng cùng với cơ quan nhà
nước, đảm bảo hiệu quả cho công tác xét xử; cần tăng chi phí tống đạt cho Thừa phát lại để
tăng cường khuyến khích việc thực hiện chuyển giao văn bản, giấy tờ, hồ sơ từ các cơ
quan Tòa án, Viện Kiểm sát, Thi hành án cho Văn phòng Thừa phát lại thực hiện
tống đạt trong tương lai, qua đó góp phần giảm bớt áp lực công việc, chia sẻ
trách nhiệm, công việc của các cơ quan tư pháp và đảm bảo thực hiện đúng chức năng,
vai trò của Thừa phát lại theo quy định.
- Cần có quy chế phối hợp quy định rõ thời gian trả kết quả đo đạc và thời
gian phúc đáp kết quả xác minh của các cơ quan liên quan; có biện pháp, chế tài
để chấn chỉnh các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng
cứ nhưng không cung cấp, cung cấp không đúng thời gian yêu cầu hoặc từ chối
cung cấp mà không nêu rõ lý do, qua đó bảo
đảm quyền “Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng
cứ cung cấp tài liệu chứng cứ đó cho mình” của luật sư, trợ giúp viên pháp lý
khi tham gia tố tụng với vai trò là người bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ cho
đương sự.
- Đề nghị cơ quan cần trưng cầu
giám định khi gửi hồ sơ giám định phải đúng pháp lý, đầy đủ tài liệu, nội dung
trưng cầu rõ ràng, cụ thể, rõ nghĩa. Trong một số vụ việc phức tạp thì cơ quan
trưng cầu giám định cần trao đổi trước về thông tin, yêu cầu đặt ra, để được
hướng dẫn cụ thể về nội dung trưng cầu giám định và cách thu mẫu giám định.
- Tiếp tục tuyên truyền, phổ
biến các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và pháp luật có liên quan để người
dân trên địa bàn tỉnh hiểu rõ vai trò bổ trợ tư pháp trong hoạt động tố tụng; tăng cường công tác thanh tra,
kiểm tra để kịp thời phát hiện sai phạm và chấn chỉnh để hoạt động bổ trợ tư
pháp đi nền nếp, ổn định, là hoạt động trợ giúp đắc lực cho công tác xét xử trong
tố tụng dân sự./.
Phương Hà