Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2023
Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Bình
Thuận năm 2023
Trong
năm 2023, thực hiện Nghị định số 59/202012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về
theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày
05/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/20212/NĐ-CP;
trên cơ sở Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm,
liên ngành của Chính phủ, Bộ Tư pháp; UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch theo
dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, các văn bản hướng dẫn, đôn
đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công tác theo dõi tình hình thi
hành pháp luật trong các lĩnh vực trọng tâm liên ngành năm 2023 về quản lý, điều
hành các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống quy định tại Điều
15 của Luật Giá năm 2012; về thi hành Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Việc làm
năm 2013.
UBND tỉnh đã thành
lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp
luật tại 05 sở, ngành cấp tỉnh và 02 địa phương cấp huyện. Tổ chức khảo sát
tình hình thực thi pháp luật lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2023, xây dựng 02
Phiếu điều tra, khảo sát gửi 05 sở, ngành và 06 huyện. Thông qua việc
kiểm tra, điều tra, khảo sát, đã đánh giá thực trạng tình hình thi hành
pháp luật trong lĩnh vực quản lý, điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu
cho sản xuất, đời sống quy định tại Điều 15 của Luật Giá năm 2012 tại các cơ
quan, đơn vị, địa phương; kiến nghị thực hiện các biện pháp khắc phục những tồn
tại, thiếu sót; đồng thời, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong
các quy định pháp luật đề nghị Trung ương xem xét.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác theo dõi tình
hình thi hành pháp luật thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế như:
Việc triển khai theo dõi thi hành pháp
luật tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự được quan tâm, kết
quả thực hiện chưa đạt hiệu quả cao. Các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật
(đặc biệt là hoạt động kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng
tâm, liên ngành) ở một số Sở,
ngành và địa phương vẫn còn mang tính hình thức, chưa thực sự phát huy vai trò,
hiệu quả. Việc thực hiện chế độ báo cáo theo dõi thi hành pháp luật hàng năm tuy
đã đi vào nề nếp, nhưng chất lượng báo cáo chưa cao,
việc rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các quy định
pháp luật chưa kịp thời…
Trong một
số lĩnh vực, mức độ vi phạm pháp luật còn tương đối cao như: an ninh trật tự,
an toàn giao thông, đất đai, môi trường. Tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan
đến lĩnh vực đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng… Việc thực hiện các kết luận,
quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các cấp có thẩm quyền ở một số nội dung
còn chậm, chưa có biện pháp hữu hiệu để thực hiện dứt điểm. Đội ngũ công chức được giao thực hiện nhiệm vụ
theo dõi THPL nhìn chung vẫn còn thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn chưa đồng
đều, phần lớn kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ này.
Trong thời gian tới, để nâng cao hơn chất lượng, hiệu quả
công tác theo dõi thi hành pháp luật, bên cạnh việc thực hiện tốt chức năng,
nhiệm vụ của cơ quan Tư pháp, cần có sự chủ động, tích cực của mỗi ngành, địa
phương. Trong đó, cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau: (1) Nâng cao hơn nữa
nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác theo dõi thi
hành pháp luật, từ đó tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của
đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tổ chức thực thi các quy định
của pháp luật, thực hiện nhiệm vụ công vụ được giao. (2) Việc triển khai công
tác theo dõi thi hành pháp luật phải tuân thủ nguyên tắc, phạm vi, nội dung,
hình thức theo dõi thi hành pháp luật theo quy định. Đồng thời xác định rõ nội
dung công việc, thời hạn hoàn thành, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có
liên quan trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo sự phối hợp
chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan. Phát huy vai trò tham mưu của
Phòng Tư pháp các huyện, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. (3) Gắn hoạt động
theo dõi thi hành pháp luật với xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Qua hoạt động
theo dõi thi hành pháp luật, các cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền phải kịp
thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành pháp luật và
kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền. (4) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra công tác thi hành pháp luật; tăng cường công tác quản lý nhà nước, phát hiện
và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là vi phạm trong giải
quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; kịp thời đề xuất, kiến nghị các
giải pháp để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như chấn chỉnh các
sai phạm, đảm bảo việc thực thi pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động theo
dõi thi hành pháp luật. (5) Các Sở, Ban, ngành, UBND cấp huyện bố trí ít nhất
01 công chức làm đầu mối thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật đồng thời
tăng cường trao đổi chuyên môn; bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ đối với công chức
làm công tác này./.
Phương Đặng