(Nguồn: Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 20/11/2018,có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 01/7/2019)
Điều 13. Họp báo, phát
ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức họp báo, phát
ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ hoặc đột xuất về tổ chức và hoạt
động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, về công tác phòng, chống tham nhũng và
xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng theo quy định của pháp luật về báo chí.
2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức họp báo, phát ngôn và
cung cấp thông tin cho báo chí đột xuất đối với vụ việc có liên quan đến tổ
chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình mà dư luận xã hội quan tâm,
trừ trường hợp pháp luật về báo chí có quy định khác.
Điều 14. Quyền yêu cầu
cung cấp thông tin
1. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã
hội, cơ quan báo chí, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có quyền yêu
cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm cung cấp thông tin về tổ chức và
hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan, tổ
chức, đơn vị được yêu cầu phải cung cấp thông tin, trừ trường hợp nội dung
thông tin đã được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, được phát
hành ấn phẩm hoặc được niêm yết công khai; trường hợp không cung cấp hoặc chưa
cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức đã yêu cầu và
nêu rõ lý do.
2. Công dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin
theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin.
3. Việc cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị cho cán
bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ
trang công tác, làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đó được thực hiện theo
quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và quy định của pháp luật
có liên quan.
Điều 15. Trách nhiệm
giải trình
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách
nhiệm giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ,
công vụ được giao khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác
động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Người thực hiện trách nhiệm giải
trình là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công,
người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình.
2. Trường hợp báo chí đăng tải thông tin về vi phạm pháp luật và
có yêu cầu trả lời các vấn đề liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ
được giao thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền phải giải trình
và công khai nội dung giải trình trên báo chí theo quy định của pháp luật.
3. Việc giải trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giám
sát hoặc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền khác được thực
hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
4. Chính phủ quy
định chi tiết khoản 1 Điều này.
Phòng Nghiệp Vụ 3