Tình hình thực hiện việc đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính trong đề nghị, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật năm 2024
Tình hình thực hiện việc đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành
chính trong đề nghị, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật năm 2024
Công
tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh được xác
định là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà nước và luôn được sự
quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh.
Trong năm 2024, các sở, ban, ngành
trên địa bàn tỉnh đã tham mưu xây dựng 97 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và 03 đề nghị xây dựng Nghị quyết
của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Trong đó, có 03/03 đề nghị xây dựng
Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh được đánh giá tác động chính
sách gồm: (1) đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định một số nội dung chi, mức chi
đặc thù cho công tác Y tế dự phòng - Dân số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; (2)
đề nghị xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND ngày
23/8/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định chế độ chi đối với hoạt động văn hóa,
nghệ thuật, thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh; (3) đề nghị xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ nhân dịp Tết Nguyên đán hàng
năm.
Ngoài ra, có 02/02 dự thảo Nghị quyết
của Hội đồng nhân dân tỉnh (theo khoản 2, 3 Điều 27 Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật) được đánh giá tác động chính sách: (1) dự
thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phí
thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh; (2) dự
thảo Nghị quyết ban hành Quy định về chính sách đất đai đối với đồng bào dân
tộc thiểu số, cá nhân là người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh
Bình Thuận.
Bên cạnh đó, có 01 dự thảo Quyết định
của Ủy ban nhân dân tỉnh có chứa thủ tục hành chính và đã được đánh giá tác
tộng thủ tục hành chính.
Các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
và đề nghị xây dựng Nghị quyết đều được Sở Tư pháp thực hiện thẩm định theo quy
định. Việc lập đề nghị xây
dựng chính sách, soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, việc đánh
giá tác động của chính sách, tác động thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bình
Thuận nhìn chung đảm bảo thực hiện theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2020, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP,
Nghị định số 154/2020/NĐ-CP, Nghị định số 59/2024/NĐ-CP của Chính phủ, quy
trình và nội dung ban hành văn bản đảm bảo đúng quy định, có chất lượng, nội
dung quy định phù hợp thực tiễn, có tính khả thi.
Bên cạnh
những mặt đạt được nêu trên, báo cáo đánh giá tác động của chính sách vẫn chưa
thực sự đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan nội dung cần đánh giá.
Nguyên nhân
là do hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí
chi tiết để đánh giá đối với các nội dung đánh giá về kinh tế, xã hội, giới, hệ
thống pháp luật (trừ việc đánh giá thủ
tục hành chính đã được quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ về
kiểm soát thủ tục hành chính và được hướng dẫn tại Thông tư số 03/2022/TT-BTP
ngày 10/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư
pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong lập đề nghị
xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy
phạm pháp luật). Ngoài ra, địa phương còn gặp những khó
khăn về nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ. Hiện
nay, ngoại trừ Sở Thông tin và Truyền thông bố trí công chức pháp chế chuyên
trách thì các sở, ban, ngành tỉnh còn lại không bố trí được Phòng Pháp chế hoặc
không bố trí được công chức pháp chế chuyển trách. Công tác tham mưu đề nghị
xây dựng nghị quyết, xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do công
chức, viên chức các phòng chuyên môn, nghiệp vụ tham mưu thực hiện. Đội
ngũ này phần lớn chưa nắm chắc về quy trình, kỹ năng tham mưu hồ sơ soạn thảo
dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất
lượng, tiến độ tham mưu chính sách, trong đó bao gồm cả việc đánh giá tác động
của chính sách, đánh giá tác động thủ tục hành
chính.
Nguyện
Đắc