Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Lượt xem: 1990

Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 04 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập và đi vào hoạt động ổn định với 05 Thừa phát lại đang hành nghề. Từ khi thành lập đến nay, hoạt động Thừa phát lại chủ yếu tập trung ở 02 lĩnh vực là lập vi bằng và tống đạt văn bản; còn hoạt động xác minh thi hành án và thụ lý tổ chức thi hành án chưa có hồ sơ thực hiện. Nội dung vi bằng chủ yếu để ghi nhận sự việc, hành vi như: giao nhận tiền, giao nhận thông báo, ghi nhận hiện trạng tài sản, ghi nhận buổi làm việc giữa các bên,… và thực hiện đăng ký tại Sở Tư pháp theo quy định.

          Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực Thừa phát lại đảm bảo đúng theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, có một số thuận lợi như sau:

- Văn phòng Thừa phát lại hoạt động, thực hiện việc chuyển giao văn bản tống đạt theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP góp phần giảm bớt áp lực công việc, chia sẻ trách nhiệm, công việc với Nhà nước, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp.

- Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; trong đó có quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động Thừa phát lại mang tính răn đe cao nhằm chấn chỉnh Thừa phát lại và Văn phòng Thừa phát lại trong hoạt động hành nghề Thừa phát lại.

- Việc quy định loại hình hoạt động, thành lập Văn phòng Thừa phát lại theo loại hình doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP đã tạo điều kiện thuận lợi cho các Văn phòng trong tổ chức và hoạt động hành nghề duy trì được sự ổn định hơn.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc như:

- Thứ nhất, về tống đạt:

Việc chuyển giao giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cho Thừa phát lại tống đạt tại địa phương còn chưa đồng bộ, chuyển giao ít. Số lượng văn bản tống đạt được chuyển giao còn hạn chế, thấp hơn so với số vụ việc thụ lý hàng năm.

Bên cạnh đó, khung mức phí chi cho việc tống đạt văn bản theo quy định Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, tối thiểu là 65.000 đồng/việc và tối đa là 130.000 đồng/việc, trừ trường hợp tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu ngoài địa bàn cấp tỉnh hoặc ở vùng đảo, quần đảo ngoài địa bàn cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở thì Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại về chi phí tống đạt… Trong khi để tổ chức tống đạt được, các Văn phòng Thừa phát lại cần phải có một đội ngũ cán bộ nghiệp vụ tương đối nhiều (phải có trình độ Trung cấp luật trở lên), chi phí rất lớn, nên nhiều Văn phòng đã từ chối ký hợp đồng tống đạt với các TAND, Viện KSND. 

- Thứ hai, về nhận thức:

Nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động Thừa phát lại trong giai đoạn hiện nay. Trong thời gian qua, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan tại địa phương thực hiện tuyên truyền, phổ biến, truyền thông về hoạt động Thừa phát lại bằng nhiều hình thức; trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến chức năng, nhiệm vụ, vai trò của Thừa phát lại, các công việc Thừa phát lại được làm theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP; giá trị pháp lý của vi bằng theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, hoạt động Thừa phát lại cũng còn khá mới mẻ đối với người dân địa phương. Hầu hết người dân tìm đến Thừa phát lại chỉ để yêu cầu lập vi bằng tạo nguồn chứng cứ cho các giao dịch mà họ tham gia, các hoạt động khác của Thừa phát lại chưa được người dân thực sự hiểu rõ, nhất là hoạt động xác minh thi hành án và thụ lý tổ chức thi hành án.

- Thứ ba, về biên chế: 

Hiện nay, số lượng vi bằng do các Văn phòng Thừa phát lại lập ngày càng nhiều, trong khi đó công chức tham mưu quản lý về Thừa phát lại vừa thực hiện kiểm tra, đăng ký vi bằng vào sổ đăng ký vừa kiêm nhiệm các nhiệm vụ chuyên môn khác. Vì vậy, quy định trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng Thừa phát lại (Khoản 4, Điều 39 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP) dẫn đến công chức kiểm tra, đăng ký vào sổ và lưu trữ vi bằng sẽ không kịp tiến độ theo quy định.

Một số giải pháp và đề xuất, kiến nghị:

- Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu về vi bằng được giao cho các địa phương thực hiện nên mỗi địa phương sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu theo hệ thống tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật khác nhau nên sau này rất khó khăn cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về vi bằng trong phạm vi cả nước. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh quản lý tốt công tác Thừa phát lại, kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng phần mềm dùng chung để hỗ trợ, cung cấp cho các địa phương thực hiện quản lý thống nhất công tác này trên toàn quốc trong việc tiếp nhận thông tin và duyệt nội dung Vi bằng, tài liệu chứng minh (nếu có) từ các Văn phòng Thừa phát lại được cập nhật trên Phần mềm cơ sở dữ liệu về vi bằng, còn bản giấy Vi bằng do các Văn phòng Thừa phát lại lưu trữ tại trụ sở của Văn phòng theo quy định.

- Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh và hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại chỉ bao gồm: Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn; trong khi đó, các văn bản điều chỉnh ở lĩnh vực Tòa án và Thi hành án dân sự là văn bản Luật. Các hoạt động của Thừa phát lại ngày càng phát triển mạnh mẽ về phạm vi, số lượng vụ việc; do đó, trong quá trình triển khai hoạt động đã gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, để giải quyết những bất cập này và bảo đảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động Thừa phát lại, đòi hỏi một hành lang pháp lý cao hơn, có tính chất nền tảng hơn, do vậy  cần thiết nên ban hành Luật về Thừa phát lại.

- Cần tăng mức chi phí tống đạt cho Thừa phát lại để tăng cường chuyển giao văn bản, giấy tờ, hồ sơ từ các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, Thi hành án cho Văn phòng Thừa phát lại thực hiện tống đạt trong tương lai, qua đó góp phần giảm bớt áp lực công việc, chia sẻ trách nhiệm, công việc của các cơ quan tư pháp và đảm bảo chức năng, vai trò của Thừa phát lại theo quy định.

- Kiến nghị Bộ Tư pháp tăng cường bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cho công chức được giao thực hiện nhiệm vụ này và kỹ năng hành nghề cho đội ngũ Thừa phát lại trong quá trình hành nghề.

- Về phía địa phương: Sở Tư pháp sẽ nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp trong việc chuyển giao văn bản tống đạt, việc xác minh và sử dụng kết quả xác minh, việc tổ chức thi hành án, việc giải quyết khiếu nại trong thi hành án; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, truyền thông về hoạt động Thừa phát lại với nhiều hình thức và lựa chọn nội dung xúc tích dễ hiểu, tập trung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vai trò và ý nghĩa của Thừa phát lại để người dân, tổ chức, doanh nghiệp hiểu biết hơn về pháp luật, đồng thuận, ủng hộ, tin tưởng và sử dụng dịch vụ Thừa phát lại.

Phương Hà

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP

Thành phần của Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận
Địa chỉ: 06 Nguyễn Tất Thành, phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Điện Thoại: (0252) 3.822.889 - Fax: (0252) 3.821.697
Email: stp@binhthuan.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang