Kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2019 của Sở Tư pháp
Lượt xem: 1355

Thực hiện Kế hoạch số 123-KH/TU ngày 12/02/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2019, Sở Tư pháp đã xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 17/KH-STP ngày 26/02/2019 về trọng tâm Cải cách tư pháp của Sở, từ đó đạt được một số những kết quả tích như sau:

Việc tham gia góp ý xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện pháp luật hình sự, dân sự và tố tụng tư pháp

Sở đã ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, đấu tranh phòng, chống tội phạm cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê trên địa bàn tỉnh; Thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt từ; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018-2021” năm 2019; Thực hiện Chương trình mục tiêu phòng, chống tội phạm và phòng, chống ma túy năm 2019; phối hợp với các Sở, ban, ngành ban hành nhiều kế hoạch liên tịch.

Bên cạnh đó, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Xây dựng chương trình phỏng vấn, tọa đàm, trao đổi, tiểu phẩm pháp luật để phát sóng trên chuyên mục “Mỗi ngày một điều luật” và chuyên mục “Pháp luật và Cuộc sống” trên sóng Truyền hình; phát hành Bản tin Tư pháp; biên soạn tờ rơi, sổ tay Hỏi – Đáp tình huống pháp luật, tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật mới và kỹ năng tuyên truyền miệng cho tuyên truyền viên pháp luật tại nhiều địa phương.

Tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư

Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã phát triển 23 tổ chức hành nghề luật sư (trong đó gồm 21 Văn phòng luật sư và 02 Công ty luật), 10 chi nhánh với số lượng 45 luật sư. Trong năm, các tổ chức đã thực hiện 561 vụ việc (trong đó có 157 vụ việc tham gia tố tụng). Trong quá trình hoạt động, các luật sư cũng đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm ở từng vụ việc, luôn trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, tuân thủ pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phần lớn, các vụ án xét xử đều có luật sư tham gia tranh tụng, điều này đã góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là trong những phiên tòa lưu động. Bên cạnh đó, các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn đã chấp hành nghiêm túc phân công của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư về việc thực hiện các vụ án chỉ định.

Trong năm, Sở Tư pháp đã phối hợp với Đoàn Luật sư và Sở Nội vụ tổ chức thành công Đại hội Đoàn Luật sư lần thứ IX (nhiệm kỳ 2019-2024); tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư. Ngoài ra, thực hiện Thông báo số 30-TB/BCĐ ngày 20/6/2019 của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh về một số hạn chế trong công tác cải cách tư pháp quý III năm 2019, Sở Tư pháp đã chủ trì tổ chức sơ kết 04 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đoàn luật sư với Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân tỉnh.

Có thể nói, trong thời gian qua, vai trò tự quản của Đoàn luật sư luôn được phát huy và không ngừng nâng cao. Chất lượng hoạt động hội họp, sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng thể hiện rõ nét, nổi bật ở một số hoạt động như: Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật, quy chế tổ chức hoạt động hành nghề luật sư, Điều lệ Đoàn luật sư; giải quyết kịp thời những khiếu nại giữa thân chủ với luật sư trong quá trình thực hiện giao dịch dân sự; tham gia góp ý khá kịp thời và có chất lượng các dự án Luật, Pháp lệnh khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Tổ chức và hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp

Tính đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn tỉnh có 02 tổ chức giám định tư pháp (Trung tâm Pháp y – Sở Y tế và phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh), 01 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc (Trung tâm Kiểm định Xây dựng Bình Thuận) với 117 giám định viên tư pháp trên 10 lĩnh vực  và 11 người giám định theo vụ việc trên 03 lĩnh vực . Về kết quả, trong năm 2019, toàn tỉnh đã thực hiện 2.469 vụ việc giám định, trong đó Trung tâm Pháp y thực hiện 1.434 vụ việc, Phòng Kỹ thuật hình sự thực hiện 1.176 vụ việc.

Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, trong năm, Sở Tư pháp đã tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành đẩy mạnh công tác giám định tư pháp, đặc biệt là việc củng cố, kiện toàn, đội ngũ giám định viên tư pháp, theo dõi, đôn đốc công tác giám định nói chung và các trường hợp trưng cầu quá thời hạn quy định nói riêng, phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đánh giá, dự báo nhu cầu giám định tư pháp để phục vụ hoạt động tố tụng trong tương lai.

Ngoài ra, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Y tế tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo việc xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc của Trung tâm Pháp y tại địa chỉ số 100 Nguyễn Thị Định, phường Phú Tài, thành phố Phan Thiết.

Tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng

Hiện nay, toàn tỉnh đã phát triển được 22 tổ chức hành nghề công chứng, gồm có 01 Phòng công chứng và 21 Văn phòng công chứng (trong đó có 02 văn phòng thành lập mới trong năm). Tổng số công chứng viên đang hành nghề là 44 công chứng viên.

Nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động công chứng, chứng thực, Sở đã tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo mở rộng việc sử dụng Cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực ra Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; đang tiếp tục giao phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kết nối liên thông cơ sở dữ liệu với Văn phòng đăng lý đất đai tỉnh và các chi nhánh. Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch định hướng biện pháp phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh giai đoạn năm 2019-2020, giao các cơ quan, đơn vị khảo sát, đánh giá nhu cầu công chứng, chứng thực của người dân, xem xét mức độ cần thiết để phát triển thêm tổ chức hành nghề công chứng trong tương lai.

Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực công chứng trong thời gian qua ổn định; hoạt động công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân. Trong năm, Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với Hội Công chứng viên và các sở, ngành có liên quan tổ chức các Hội nghị tập huấn, trao đổi nghiệp vụ và các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực công chứng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp với các địa phương khác kiểm soát chặt việc hành nghề, nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, bồi dưỡng nghiệp vụ hằng năm và việc tham gia Hội Công chứng viên tại địa phương; phối hợp với Học viện Tư pháp mở Lớp Đào tạo nghề công chứng tại tỉnh Bình Thuận với 81 học viên.

Công tác trợ giúp pháp lý

Hiện nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Bình Thuận có 01 trụ sở chính đặt tại Sở Tư pháp, 02 chi nhánh ở huyện Bắc Bình và Đức Linh. Trong năm, Sở đã tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh giải thể Chi nhánh số 2 tại thị xã La Gi. Tính đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn tỉnh có 04 trợ giúp viên pháp lý, 170 công tác viên, trong đó có 07 luật sư.

Trong năm, Sở đã tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn về tài chính; Quyết định của Chính phủ đối với chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

Trong năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý và các chi nhánh đã tiến hành trợ giúp pháp lý cho 139 vụ việc (trong đó đã cử luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng cho 47 vụ việc). Các đối tượng chủ yếu được trợ giúp pháp lý là: Trẻ em, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người thuộc hộ nghèo, người có công, người cao tuổi có khó khăn về tài chính, nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình,... Có thể nói, so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng vụ việc tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Việc tham gia tố tụng của đội ngũ luật sư, trợ giúp viên pháp lý đã góp phần bảo đảm vụ án được giải quyết, xét xử khách quan, chính xác, đúng pháp luật, đồng thời bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự.

Bên cạnh đó, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đã tổ chức 09 đợt truyền thông, truyền thanh về cơ sở kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã tác động tích cực đến cán bộ và nhân dân, một mặt giúp người dân có điều kiện tiếp cận hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí, một mặt góp phần tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý cho người dân, nâng cao nhận thức về pháp luật trong cộng đồng dân cư.

Nhìn chung, công tác cải cách tư pháp của Sở Tư pháp trong năm 2019 đã thực hiện theo sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh và Uỷ ban nhân dân tỉnh, khắc phục được một số hạn chế được chỉ ra trong năm 2018 và bám sát các nhiệm vụ đề ra trong từng quý.


Đinh Phi Pha

Đinh Phi Pha
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP

Thành phần của Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận
Địa chỉ: 06 Nguyễn Tất Thành, phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Điện Thoại: (0252) 3.822.889 - Fax: (0252) 3.821.697
Email: stp@binhthuan.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang