Triển khai thực hiện một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn
Triển khai thực hiện một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý
chất thải rắn
Thực hiện Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất
thải rắn; vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số
629/UBND-KT ngày 23/02/2021 chỉ đạo triển khai thực hiện một số giải pháp cấp
bách tăng cường quản lý chất thải rắn; theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các
cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung như
sau:
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, tham mưu xây dựng phương án giá tối đa với dịch vụ
thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Trong đó,
có lộ trình tăng dần giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhằm giảm
dần hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước; quy định cụ thể hình thức và mức
kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển
và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải
đã được phân loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi nhằm giảm
thiểu chất thải phát sinh và thúc đẩy việc phân loại chất thải rắn tại
nguồn. Thời gian hoàn thành trong
tháng 10 năm 2021; đồng thời, cuối mỗi quý báo cáo tiến độ thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh.
Trên cơ sở các chính sách của Trung ương, giao Sở Kế hoạch và Đầu
tư rà soát, nghiên cứu tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban
hành các cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư các dự án xử lý rác thải
có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, gắn với xã hội
hóa công tác
thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt phù hợp với pháp luật chuyên
ngành và tình
hình thực tế tại địa phương; đơn giản hóa các thủ tục chuẩn bị đầu
tư, xây dựng và vận hành cơ sở xử lý chất thải. Đồng thời, nghiên cứu, thí
điểm tổ chức đấu thầu tập trung để lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ xử
lý chất thải rắn đáp ứng các tiêu chí về công nghệ, kinh tế, xã hội và môi
trường theo quy định.
Sở Khoa học và Công nghệ: Rà soát, đánh giá công
nghệ xử lý chất thải rắn hiện có trên địa bàn, yêu cầu các
cơ sở xử lý phải có lộ trình đổi mới công nghệ xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, thực hiện trước năm 2023. Kết quả
thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 20 tháng 3 năm 2021. Thông báo đề xuất và
tham mưu đặt hàng thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ nhằm
xử lý chất thải rắn, xây dựng mô hình xử lý chất thải rắn
sinh hoạt phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội của địa phương. Phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan tổ chức thẩm định, có ý kiến về công nghệ của dự án đầu tư xử lý chất thải rắn
trên địa bàn
tỉnh theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hướng dẫn việc thu gom các bao bì hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón sau sử dụng trong nông nghiệp. Kết quả thực
hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước
ngày 30 tháng 4 năm 2021. Chịu trách nhiệm hướng
dẫn các địa phương trong việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi,
phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác.
Sở Y tế chỉ đạo, triển khai thực hiện việc xử lý chất thải y tế
nguy hại theo mô hình cụm, mô hình tập trung, hạn chế việc xử lý phân tán tại
các cơ sở y tế. Hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện việc phân loại, thu gom,
lưu giữ, quản lý chất thải y tế đảm bảo đúng theo quy định pháp luật. Kết
quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 25 tháng 3 năm 2021.
Sở Tài chính ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn sự nghiệp môi trường cho các hoạt động phân loại rác tại nguồn, thu gom, vận chuyển và
xử lý chất thải rắn trong kế hoạch ngân sách hàng năm
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn; ưu tiên cân đối ngân sách
hàng năm của
địa phương hỗ trợ cho việc quản lý chất thải rắn, đảm bảo phân loại,
thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn phát sinh trên địa bàn đúng quy
định; đảm bảo công khai, minh bạch trong chi trả dịch vụ xử lý chất thải rắn. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phân loại chất thải rắn tại
nguồn phù hợp với điều kiện địa phương; đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đáp ứng
yêu cầu phân loại chất thải rắn tại nguồn để triển khai theo lộ trình quy
định tại Luật
Bảo vệ môi trường năm 2020 (thực hiện chậm nhất ngày 31/12/2024).
Trong đó, đối với thành phố Phan
Thiết và thị xã La Gi, khẩn trương xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh
hoạt và tổ chức việc thu gom rác sau phân loại trên địa
bàn theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số
574/UBND-KT ngày 20 tháng 02 năm 2020 và Công văn số
2457/UBND-KT ngày 03 tháng 7 năm 2020. Xử lý ô nhiễm, cải tạo,
nâng cấp các bãi chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh; xây dựng lộ trình và chỉ đạo tổ chức thực hiện việc xử
lý triệt để các bãi chôn lấp chất thải rắn tự phát không theo quy định và ngăn
chặn việc hình thành các bãi chôn lấp tự phát mới.
Thu hút đầu tư, đưa vào vận hành các nhà máy xử lý chất thải rắn
theo hướng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường;
Xây dựng kế hoạch, lộ trình phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ chất thải rắn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống
dưới 30%; đối với các khu vực nông thôn cần tận dụng tối đa lượng chất
thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các
hộ gia đình thành phân compost.
Không hạn chế việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại từ các địa phương khác về địa
phương mình để xử lý theo quy định.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận, Báo Bình Thuận chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện các nội dung tuyên truyền, cung cấp thông tin,
phát huy vai
trò của báo chí trong hoạt động quản lý chất thải rắn; đặc biệt là
công tác tuyên truyền, phổ biến về công tác phân loại tại nguồn, thu gom, vận
chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng thông qua các
phương tiện phát thanh, truyền hình, báo chí và hệ thống thông tin cơ sở nhằm
nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cộng đồng, người dân.
Sở Tài nguyên và Môi trường: Rà soát, tham mưu Ủy
ban nhân dân tỉnh ban hành các quy định về quản lý chất thải rắn của
địa phương đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Khẩn trương rà soát các quy hoạch có liên quan đến vị trí, quy mô
của các khu xử lý chất thải trên địa bàn để lồng ghép vào quy hoạch tỉnh,
phù hợp với định hướng trong quy hoạch vùng, quy hoạch bảo vệ môi trường
quốc gia. Theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện
các nhiệm vụ nêu trên và định kỳ, cuối mỗi quý, tổng hợp,
báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc
các nội dung tại Công văn này; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để Mặt
trận Tổ quốc
Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia, phản biện,
giám sát hoạt
động quản lý và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; chủ động
cung cấp thông
tin, phát huy vai trò của báo chí trong hoạt động quản lý chất thải
rắn.
Ban biên tập