Quy định cụ thể về cách ghi số chứng thực và giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản đã được chứng thực không đúng quy định pháp luật
Quy
định cụ thể về cách ghi số chứng thực và giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản đã được chứng
thực không đúng quy định pháp luật
Ngày 03/3/2020, Bộ
Tư pháp ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định
số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản
chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Theo đó, tại Điều 4 Thông tư số
01/2020/TT-BTP đã quy định cụ thể cách ghi số chứng thực bản sao, chứng thực chữ
ký, chứng thực hợp đồng như sau:
1. Số chứng thực bản sao từ bản chính theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều
20 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP là số chứng thực được ghi theo từng loại giấy tờ
được chứng thực; không lấy số chứng thực theo lượt người yêu cầu chứng thực.
Ví dụ: ông A yêu cầu chứng thực bản sao từ
bản chính 03 (ba) loại giấy tờ: chứng minh nhân dân mang tên ông Nguyễn Văn A,
chứng minh nhân dân mang tên bà Nguyễn Thị B và sổ hộ khẩu của hộ gia đình ông
Nguyễn Văn A. Khi lấy số chứng thực, bản sao chứng minh nhân dân mang tên ông
Nguyễn Văn A được ghi một số, bản sao chứng minh nhân dân mang tên bà Nguyễn
Thị B được ghi một số và bản sao sổ hộ khẩu của hộ gia đình ông Nguyễn Văn A
được ghi một số. Như vậy, cơ quan thực hiện chứng thực sẽ lấy 03 (ba) số chứng
thực khác nhau cho 03 (ba) loại giấy tờ.
2. Số chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản
và chứng thực chữ ký người dịch là số chứng thực được ghi theo từng loại giấy
tờ, văn bản cần chứng thực chữ ký; không lấy số chứng thực theo lượt người yêu
cầu chứng thực.
Ví dụ 1: Ông Trần Văn H yêu cầu chứng thực
chữ ký trên tờ khai lý lịch cá nhân và giấy ủy quyền nhận lương hưu, thì phải
ghi thành 02 (hai) số chứng thực khác nhau. 01 (một) số đối với chứng thực chữ
ký trên tờ khai lý lịch cá nhân và 01 (một) số đối với chứng thực chữ ký trên
giấy ủy quyền nhận lương hưu.
Ví dụ 2: Bà Lê Thị B yêu cầu chứng thực chữ
ký người dịch (theo mẫu chữ ký người dịch đã đăng ký với Phòng Tư pháp) đối với
03 (ba) loại giấy tờ: bản dịch hộ chiếu, bản dịch thư mời hội nghị và bản dịch
hợp đồng. Mỗi loại bản dịch phải ghi 01 (một) số chứng thực. Trong trường hợp
này, Phòng Tư pháp sẽ lấy 03 (ba) số chứng thực, không được ghi gộp 03 (ba)
việc thành 01 (một) số chứng thực cho một người.
3. Số chứng thực hợp đồng được ghi theo từng
việc; không lấy số theo lượt người yêu cầu hoặc theo số bản hợp đồng.
Ví dụ: ông Lê Văn H và bà Nguyễn Thị M yêu
cầu chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chứng thực hợp đồng
cho thuê cửa hàng. Trong trường hợp này phải lấy 01 (một) số chứng thực cho hợp
đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và 01 (một) số chứng thực cho hợp đồng
thuê cửa hàng.
Ngoài ra, tại Điều 7 Thông tư số
01/2020/TT-BTP cũng quy định về giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản đã được
chứng thực không đúng quy định pháp luật như sau:
Các giấy tờ, văn bản được chứng thực bản sao từ bản
chính, chứng thực chữ ký không đúng quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và
Thông tư này thì không có giá trị pháp lý.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách
nhiệm ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản chứng
thực quy định tại khoản 1 Điều 7 đối với giấy tờ, văn bản do Phòng Tư
pháp chứng thực. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm ban hành quyết
định hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản chứng thực quy định tại khoản
1 Điều 7 đối với giấy tờ, văn bản do cơ quan mình chứng thực.
Sau khi ban hành quyết định hủy bỏ giấy tờ,
văn bản chứng thực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cấp xã có trách nhiệm đăng tải thông tin về giấy tờ, văn bản đã được chứng
thực nhưng không có giá trị pháp lý lên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh.
Người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao,
Cơ quan đại diện lãnh sự và các cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng
lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm ban hành quyết định hủy bỏ giá
trị pháp lý của giấy tờ, văn bản chứng thực quy định tại khoản 1 Điều 7 đối
với giấy tờ, văn bản do cơ quan mình chứng thực và đăng tải thông tin về giấy
tờ, văn bản đã được chứng thực nhưng không có giá trị pháp lý lên Trang thông
tin điện tử của cơ quan mình.
Việc ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp
lý và đăng tải thông tin thực hiện ngay sau khi phát hiện giấy tờ, văn bản
đó được chứng thực không đúng quy định pháp luật.
Thông
tư số 01/2020/TT-BTP có hiệu lực kể từ ngày 20/4/2020 thay
thế Thông tư số 20/2015/TT-BTP ngày 29/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư
pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP
ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản
chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Đặng Văn Đào