Hướng dẫn tình tiết định khung hình phạt về các tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ
Lượt xem: 1165

Hướng dẫn tình tiết định khung hình phạt về các tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ

 

Tại Điều 4 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ, quy định về một số tình tiết định khung hình phạt cụ thể như sau:

1. Tình tiết “dùng thủ đoạn xảo quyệt” hoặc “dùng thủ đoạn nguy hiểm” quy định tại khoản 2 các điều 353, 354, 355, 364 và 365 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017):

- “Dùng thủ đoạn xảo quyệt” là trường hợp người phạm tội sử dụng thủ đoạn dối trá một cách tinh vi, sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội, che giấu tội phạm, đổ tội cho người khác hoặc người phạm tội có hành vi tiêu hủy chứng cứ, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.

- “Dùng thủ đoạn nguy hiểm” là trường hợp người phạm tội sử dụng thủ đoạn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người khác hoặc có thể gây hậu quả nghiêm trọng khác để chiếm đoạt tài sản hoặc che giấu tội phạm.

2. Tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại khoản 2 các điều 353, 354, 355, 356, 357, 358, 361, 364, 365 và 366 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) là trường hợp người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điều này từ 02 lần trở lên và mỗi hành vi đều cấu thành tội phạm, nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Tình tiết “ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) là một trong các trường hợp sau:

- Làm mất hoặc giảm sút thu nhập thường xuyên, thu nhập tăng thêm hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động;

- Gây khiếu nại, tố cáo bức xúc, làm mất đoàn kết, mất niềm tin trong nội bộ cơ quan, tổ chức ảnh hưởng đến tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

4. Tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” quy định tại khoản 3 các điều 353, 355 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) là một trong các trường hợp sau:

- Gây khiếu kiện đông người, biểu tình, gây rối để các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, kích động chống phá chính quyền, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước;

- Gây hoang mang, lo sợ hoặc phẫn nộ trong nhân dân;

- Gây khó khăn trong việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hải Lam Tường

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP

Thành phần của Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận
Địa chỉ: 06 Nguyễn Tất Thành, phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Điện Thoại: (0252) 3.822.889 - Fax: (0252) 3.821.697
Email: stp@binhthuan.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang