Sở Tư pháp hướng dẫn nội dung đơn của công dân liên quan đến khai nhận di sản thừa kế và tặng cho QSD đất của hộ gia đình
Lượt xem: 575

Sở Tư pháp hướng dẫn nội dung đơn của công dân liên quan đến khai nhận di sản thừa kế và tặng cho QSD đất của hộ gia đình

 

Sở Tư pháp có nhận Đơn yêu cầu giải đáp thắc mắc của người dân liên quan đến thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã. Theo đó, các thành viên trong hộ gia đình có nhu cầu chứng thực Văn bản khai nhận di sản; đồng thời tại văn bản khai nhận di sản này, các thành viên thống nhất tặng cho phần di sản thừa kế và tài sản là phần quyền sử dụng đất mà mình được hưởng để một thành viên trong hộ được toàn quyền đứng tên đối với quyền sử dụng đất này. Qua nghiên cứu, Sở Tư pháp hướng dẫn như sau:

1. Theo Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015) quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.

Người dân có nhu cầu chứng thực Văn bản khai nhận di sản là quyền sử dụng đất thì nộp một bộ hồ sơ gồm có: Dự thảo văn bản khai nhận di sản; Bản sao Giấy chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng của người yêu cầu chứng thực; Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp văn bản khai nhận di sản liên quan đến tài sản đó; Giấy chứng tử của người để lại di sản.

Văn bản khai nhận di sản được thực hiện công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã theo quy định của pháp luật. Trường hợp hồ sơ đầy đủ thì Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng thụ lý, ký công chứng theo thẩm quyền quy định tại Điều 58 Luật Công chứng năm 2014 hoặc UBND cấp xã thụ lý, ký chứng thực theo thẩm quyền quy định tại điểm h khoản 2 Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ “h) Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là tài sản quy định tại các Điểm c, d và đ Khoản này”.

2. Định đoạt quyền sử dụng đất của hộ gia đình thông qua hình thức tặng cho

Theo quy định tại khoản 2 Điều 212 BLDS 2015: “Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác”; khoản 1 Điều 64 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định: “Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải được người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký tên”.

Từ các quy định nêu trên, việc tặng cho quyền sử dụng đất của hộ gia đình phải lập thành Hợp đồng hoặc Văn bản tặng cho và phải được tất cả thành viên hộ gia đình hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký tên trên văn bản đó.

Căn cứ thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch của UBND cấp xã tại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ: “d) Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai”; quy định về quyền của người sử dụng đất tại khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai quy định: “1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này”. Theo đó, UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực Hợp đồng hoặc Văn bản tặng cho đối với tài sản. Do vậy, các thành viên hộ gia đình có nhu cầu chứng thực hợp đồng, giao dịch tặng cho quyền sử dụng đất (bao gồm cả phần di sản thừa kế và tài sản là phần quyền sử dụng đất của các thành viên) thì nộp một bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Trường hợp hồ sơ đầy đủ thì UBND cấp xã thụ lý và ký chứng thực theo quy định pháp luật về chứng thực.

3. Từ các căn cứ nêu trên, việc khai nhận di sản thừa kế và tặng cho quyền sử dụng đất của hộ gia đình là 02 thủ tục khác nhau. Do đó, để đảm bảo thực hiện đúng theo quy định pháp luật, đề nghị người dân thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế trước khi thực hiện thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất.

Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất đã được UBND cấp xã chứng thực là cơ sở để cơ quan quản lý đất đai thực hiện cập nhật đăng ký biến động sang tên quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Phương Hà

Phươn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP

Thành phần của Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận
Địa chỉ: 06 Nguyễn Tất Thành, phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Điện Thoại: (0252) 3.822.889 - Fax: (0252) 3.821.697
Email: stp@binhthuan.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang