Quy định về đại diện khai nhận di sản là quyền sử dụng đất cho con chưa thành niên
Lượt xem: 3761

Quy định về đại diện khai nhận di sản là quyền sử dụng đất cho con chưa thành niên

 

Sở Tư pháp nhận được Văn bản đề nghị cho ý kiến của công dân liên quan đến hồ sơ nhận thừa kế quyền sử dụng đất (có người chưa thành niên). Qua nghiên cứu nội dung Văn bản đề nghị, các tài liệu gửi kèm và các văn bản pháp luật có liên quan, Sở Tư pháp có ý kiến như sau:

1. Quy định pháp luật về giao dịch dân sự đối với tài sản là bất động sản của người chưa thành niên

- Theo quy định tại Điều 21 Bộ Luật dân sự năm 2015 (BLDS) về người chưa thành niên:

“1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.”

Theo quy định tại khoản 1 Điều 136 BLDS về đại diện theo pháp luật của cá nhân thì cha, mẹ là đại diện theo pháp luật cho con chưa thành niên.

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về đại diện cho con:“1. Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật.”

Căn cứ các quy định trên, Cha hoặc Mẹ có quyền đại diện cho Con chưa thành niên thực hiện các giao dịch dân sự (trong đó có giao dịch liên quan đến bất động sản) hoặc Con chưa thành niên (là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi) có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản là bất động sản nhưng phải được sự đồng ý của cha mẹ.

2. Quy định về công chứng, chứng thực văn bản thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất

- Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 về quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất, quy định: “c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự”.

Như vậy, đối với văn bản thỏa thuận của những người thừa kế mà di sản là quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực.

- Theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 và Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì có 02 loại văn bản thừa kế: Văn bản thỏa thuận phân chia di sản văn bản khai nhận di sản.

Tại Điều 57 và 58 Luật Công chứng năm 2014 quy định công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản và văn bản khai nhận di sản như sau:

+ Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản: Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản…

+ Công chứng văn bản khai nhận di sản: Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản

- Theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường:“4. Trường hợp nhiều người được thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà những người được hưởng thừa kế có văn bản thỏa thuận chưa phân chia thừa kế và đề nghị cấp một Giấy chứng nhận cho người đại diện đối với toàn bộ diện tích đất, tài sản gắn liền với đất để thừa kế thì cấp một Giấy chứng nhận cho người đại diện đó. Văn bản thỏa thuận phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật. Trên Giấy chứng nhận ghi thông tin của người đại diện theo quy định tại Khoản 1 Điều này, dòng tiếp theo ghi "Là người đại diện của những người được thừa kế gồm:... (ghi lần lượt tên của những người được thừa kế quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất)".

3. Từ các căn cứ nêu trên và theo quy định của Bộ Luật dân sự 2015, Luật Công chứng 2014, ông A có quyền nhân danh cá nhân, đồng thời là người đại diện theo pháp luật cho 02 con chưa thành niên thực hiện khai nhận di sản của bà B (là vợ ông A); nội dung văn bản thể hiện di sản thừa kế sẽ là tài sản chung của ông A và 02 người con và thỏa thuận chưa phân chia di sản này. Văn bản khai nhận di sản phải được công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật.

Theo đó, Văn bản khai nhận di sản đã được công chứng, chứng thực là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho người được hưởng di sản theo khoản 4 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường./.

Phương Hà

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP

Thành phần của Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận
Địa chỉ: 06 Nguyễn Tất Thành, phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Điện Thoại: (0252) 3.822.889 - Fax: (0252) 3.821.697
Email: stp@binhthuan.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang