Phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên môi trường mạng
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, những năm gần đây, xu
hướng người dân đọc tin tức qua mạng, sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin
ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, không gian mạng với đặc tính dễ ẩn danh, lan
truyền nhanh đã trở thành môi trường thuận lợi cho hoạt động phát tán tin giả,
tin sai sự thật. Tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng có nội dung liên
quan đến nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội..., gây ảnh
hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng đến
an ninh, trật tự, gây thiệt hại về kinh tế... Nhiều thông tin thiếu kiểm chứng,
bịa đặt, phản cảm được người dùng mạng xã hội chia sẻ rộng rãi gây bức xúc
trong dư luận xã hội.
Tin giả trên không gian mạng
thường có những dấu hiệu nhận biết sau: Tiêu đề giật gân, thu hút, nội dung
thông tin mới lạ, thường đề cập đến một vấn đề nóng mà mọi người quan tâm;
Thông tin không ghi nguồn hoặc nguồn không rõ ràng; Thông tin xuất hiện từ các
Trang Web, tài khoản, kênh nội dung trên mạng xã hội thường xuyên tung tin giả,
hoặc từ những trang, tài khoản, kênh không thuộc cơ quan báo chí chính thống
hoặc cơ quan nhà nước.
Khi nghi ngờ một tin giả,
người dùng cần thực hiện các bước kiểm tra, xác minh: Xem xét nguồn tin, kiểm
tra tác giả; Kiểm tra thông tin, hình ảnh minh họa và đường dẫn liên kết; Kiểm
tra thời gian; Đọc toàn bộ nội dung, tìm những điểm nghi ngờ, mâu thuẫn; Đối
chiếu với thông tin trên báo chí chính thống hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia
hoặc các cơ quan chức năng.
Khi phát hiện một tin giả,
các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần lưu lại bằng chứng (đường link, chụp ảnh màn
hình tin, bài viết nghi là giả, tải video nghi là giả về máy tính, điện thoại
của mình..). Không chia sẻ và cảnh báo cho người thân, bạn bè không chia sẻ
những thông tin nghi ngờ là giả này. Cảnh báo cho người đang đăng tải, chia sẻ
những thông tin này về khả năng họ đang lan truyền tin giả và hậu quả của việc
này. Đồng thời, thông báo tin giả (kèm theo thông tin, bằng chứng) đến Trung
tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) (Email: online.abei@mic.gov.vn;
Hotline: 18008108) hoặc đến cơ quan chức năng có thẩm quyền tại địa
phương.
Trường hợp nếu lỡ đăng tải,
chia sẻ tin giả, tin sai sự thật, thì cần phải nhanh chóng gỡ bỏ thông tin sai
sự thật, đưa ra lời đính chính, xin lỗi và hợp tác với cơ quan chức năng nếu có
yêu cầu.
Không gian mạng là phương
tiện tuyệt vời để kết nối mọi người nhưng cũng ẩn chứa những rủi ro, cạm bẫy.
Không phải mọi thứ trên mạng Internet đều an toàn và đáng tin cậy, vì vậy, hành
động có trách nhiệm trên không gian mạng là cách duy nhất mà mỗi cá nhân, tổ
chức có thể bảo vệ mình, bảo vệ những người xung quanh và góp phần xây dựng một
xã hội văn minh, tuân thủ luật pháp. Mỗi người dùng cần ghi nhớ 4 nguyên tắc để
hành động có trách nhiệm trên không gian mạng: Suy nghĩ hai lần trước khi chia
sẻ, tải (hoặc đăng), hoặc bình luận video, hình ảnh, tin tức trên mạng, không
thực hiện các thao tác trên nếu không chắc chắn về thông tin. Kiểm tra, xem xét
nguồn tin, tác giả, độ tin cậy của thông tin. Tôn trọng suy nghĩ và quyền riêng
tư của bản thân và của người khác. Thông báo cho cơ quan có thẩm quyền nếu phát
hiện tin giả, sai sự thật.
Các mức phạt hành chính, xử
lý hình sự đối với cá nhân, tổ chức tung tin giả, sai sự thật, xúc phạm danh dự
nhân phẩm tổ chức, cá nhân khác, cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang
mang trong nhân dân: Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng (cá nhân), từ 10 - 20 triệu
đồng (tổ chức, doanh nghiệp); buộc gỡ bỏ thông tin. Nếu quảng cáo sai sự thật,
quảng cáo hàng giả: Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng (cá nhân), từ 10 - 20 triệu
đồng (tổ chức, doanh nghiệp); buộc gỡ bỏ thông tin. Nếu đặt sản phẩm quảng cáo
vào nội dung vi phạm pháp luật (thông tin xuyên tạc, tin giả, tin sai sự thật):
Phạt tiền từ 7,5 - 10 triệu đồng (cá nhân), từ 15 - 20 triệu đồng (tổ chức,
doanh nghiệp); buộc gỡ bỏ quảng cáo vi phạm.
Thành Danh