Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn
Lượt xem: 1659

Điều 30 Luật PCTN năm 2018 đã quy định cụ thể về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình.

+ Về nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập: Luật PCTN năm 2018 giữ nguyên quy định hiện hành về nghĩa vụ kê khai nhưng có điều chỉnh để rõ ràng, cụ thể hơn. Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, thu nhập và mọi biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên.

+ Về người có nghĩa vụ kê khai, tài sản: Luật PCTN năm 2018 đã mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức nhằm mục đích chủ yếu là tạo cơ sở để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tài sản, thu nhập biến động trong năm từ 300 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, Luật PCTN năm 2018 mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai lần đầu nhưng lại thu hẹp diện đối tượng phải kê khai thường xuyên, kê khai hằng năm nhằm phù hợp với việc thu hẹp đầu mối cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và bảo đảm tính khả thi.

+ Về phương thức và thời điểm kê khai tài sản, thu nhập: Đây là một điểm mới cơ bản của Luật PCTN năm 2018. Để khắc phục hạn chế hiện nay và phù hợp với việc mở rộng người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, thu hẹp cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thì Luật PCTN năm 2018 đã quy định các phương thức kê khai áp dụng cho từng đối tượng kê khai khác nhau, gồm kê khai lần đầu, kê khai bổ sung, kê khai hằng năm và kê khai phục vụ công tác cán bộ.

Kê khai lần đầu và kê khai phục vụ công tác cán bộ: Người đang giữ chức vụ hoặc có vị trí công tác mà thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai đều phải thực hiện việc kê khai lần đầu theo quy định của Luật này nhằm hình thành đồng bộ cơ sở dữ liệu, thông tin về tài sản, thu nhập của họ kể từ thời điểm Luật có hiệu lực để phục vụ cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập. Đồng thời, tất cả cán bộ, công chức, một số viên chức hoặc ở vị trí công tác khác khi được tiếp nhận, tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực nhà nước đều phải kê khai. Hình thức kê khai này hiện đang được thực hiện trong quá trình hình thành hồ sơ quản lý cán bộ. Những năm công tác tiếp theo, họ không phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm nếu không có căn cứ phát sinh.

Kê khai hằng năm và kê khai bổ sung phục vụ cho kiểm soát tài sản, thu nhập: Kê khai hằng năm chỉ áp dụng đối với những người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở và tương đương trở lên, người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác. Kê khai bổ sung áp dụng đối với người có biến động tăng về tài sản, thu nhập có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên.

+ Luật PCTN năm 2018 đã mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai, thu hẹp Cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập nên việc xác minh toàn bộ các bản kê khai tài sản, thu nhập là không khả thi. Luật PCTN năm 2018 đã bổ sung một số căn cứ xác minh như khi có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên. Việc quy định xác minh theo kế hoạch là nhằm tăng cường ý thức tuân thủ trong kê khai và minh bạch tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Đồng thời, để tránh lạm dụng quy định này để trù dập cán bộ hoặc mục đích vì vụ lợi, Luật PCTN năm 2018 giao Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai được xác minh và việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm.

Ngoài ra, Luật PCTN năm 2018 cũng quy định cụ thể về thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập; nội dung xác minh tài sản, thu nhập; trình tự xác minh tài sản, thu nhập.

+ Về xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực: Luật PCTN năm 2018 quy định cụ thể việc xử lý nghiêm khắc nếu người có nghĩa vụ kê khai kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực bằng các hình thức như: người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử; người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến; người đã được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ thì bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; người có nghĩa vụ kê khai khác nếu kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì bị xử lý kỷ luật và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức xử lý từ cảnh cáo trở lên là đủ để đảm bảo tính răn đe; nếu được quy hoạch vào chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch. Đồng thời, Luật cũng quy định trường hợp họ chủ động xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể được xem xét không kỷ luật./.

                                                                                                       M. Hồng

Tin khác
1 2 3 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP

Thành phần của Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận
Địa chỉ: 06 Nguyễn Tất Thành, phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Điện Thoại: (0252) 3.822.889 - Fax: (0252) 3.821.697
Email: stp@binhthuan.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang