Tổng kết 15 năm thi hành Luật Luật sư trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Lượt xem: 1724

Tổng kết 15 năm thi hành Luật Luật sư trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

 

Thực hiện tổng kết, đánh giá 15 năm thi hành Luật Luật sư trên địa bàn tỉnh theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận tại Công văn số 3355/UBND-NCKSTTHC ngày 07/10/2022; Sở Tư pháp đã ban hành Báo cáo số 25/BC-STP ngày 16/02/2023, theo đó đã đánh giá được một số kết quả nổi bật, cũng như những khó khăn, bất cập qua 15 năm thi hành Luật Luật sư trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

1. Về kết quả thực hiện quy định Luật Luật sư

Luật Luật sư năm 2006 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2007 và được sửa đổi, bổ sung năm 2012 đã tạo môi trường pháp lý ngày càng thuận lợi hơn cho hoạt động hành nghề của các luật sư nhằm góp phần bảo vệ công lý, quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Năm 2007, toàn tỉnh có 11 tổ chức hành nghề luật sư/20 luật sư, đến nay qua 15 năm đã nâng tổng số lên 32 tổ chức hành nghề luật sư với 59 luật sư hoạt động hành nghề (tăng 21 tổ chức hành nghề luật sư và 39 luật sư). Có 15 chi nhánh của tỉnh, thành phố khác thành lập tại Bình Thuận; 02 Văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư.

Triển khai thực hiện Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 2320/QĐ-BTP ngày 13/8/2012 của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2681/QĐ-UBND ngày 26/12/2012 ban hành “Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020”. Theo Quyết định số 2681/QĐ-UBND, đến năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 60 luật sư và đến năm 2020, có 100 luật sư. Tuy nhiên, với số lượng luật sư đang hành nghề hiện nay là chưa đạt Kế hoạch của Chiến lược đề ra.

Từ năm 2007 đến nay, công tác quản lý nhà nước về luật sư trên địa bàn tỉnh luôn được Tỉnh ủy và UBND tỉnh quan tâm, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện như: các Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Luật sư trên địa bàn tỉnh, triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; chỉ đạo tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về vị trí, vai trò của luật sư bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú… Bên cạnh đó, Sở Tư pháp với chức năng, nhiệm vụ tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước trên lĩnh vực luật sư cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn hoạt động hành nghề của luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư; tham mưu thực hiện việc báo cáo định kỳ theo quy định của Luật. Định kỳ hàng năm theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra, thanh tra tổ chức, hoạt động của các Văn phòng Luật sư, công ty luật, các luật sư hoạt động hành nghề với tư cách cá nhân trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện chấn chỉnh những sai sót về tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư.

Với sự quan tâm đó, công tác quản lý nhà nước về luật sư được tăng cường thời gian qua; nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của Luật sư, hành nghề Luật sư có chuyển biến tích cực; vị trí, vai trò của luật sư đã được chú trọng, hoạt động của luật sư cũng dần được xác lập tạo điều kiện cho hoạt động hành nghề luật sư ngày càng phát triển.

2. Về hoạt động hành nghề luật sư

Qua 15 năm, hoạt động hành nghề luật sư tại tỉnh tương đối ổn định, các luật sư đã tham gia các hoạt động tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác trong nước theo quy định của Luật luật sư với hơn 19.836 vụ, việc . Nhìn chung, chất lượng tham gia của luật sư vào một số vụ, việc tương đối tốt. Tuy nhiên, vẫn còn có luật sư chưa đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng và yêu cầu chung của xã hội do trình độ chuyên môn và bản lĩnh nghề nghiệp chưa được trao dồi đúng mức. Trong tỉnh chưa có luật sư nào tham gia vào các hoạt động hội nhập quốc tế.

Các luật sư đã tham gia hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí, trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách và công tác xã hội khác với khoảng hơn 9.000 vụ việc. Cùng với việc thực hiện Trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật luật sư và văn bản Hướng dẫn số 93/HD-LĐLSVN của Liên Đoàn luật sư Việt Nam, các luật sư của Đoàn Luật sư Bình Thuận cũng tích cực tham gia trợ giúp pháp lý dưới hình thức tư vấn pháp luật tại tổ chức hành nghề và trợ giúp pháp lý lưu động do Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Thuận, Hội Luật gia tỉnh Bình Thuận tổ chức.

Những năm gần đây, việc hành nghề của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh đã tham gia nộp thuế và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc hành nghề của luật sư phần lớn tập trung vào lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình. Trong quá trình hoạt động, các luật sư cũng đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm ở từng vụ việc, luôn trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, tuân thủ pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phần lớn, các vụ án xét xử đều có luật sư tham gia tranh tụng, điều này đã góp phần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là trong những phiên tòa lưu động. Vai trò của luật sư trong tư vấn, bào chữa, đại diện theo ủy quyền từng bước được nâng lên, đáp ứng với nhu cầu phục vụ nhân dân trong tình hình hiện nay.

Các luật sư đã tham gia tích cực vào phổ biến, tuyên truyền pháp luật do các Sở, ngành trong tỉnh tổ chức; tích cực tham gia góp ý kiến các dự thảo Luật do Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh mời tham gia; tham gia Hội đồng thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh ban hành; được Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh mời tham gia ý kiến đối với một số vụ án có khiếu nại đến HĐND tỉnh; trong công tác tư vấn và trợ giúp pháp lý thì đội ngũ luật sư là lực lượng nòng cốt của Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh và Trung tâm tư vấn thuộc Hội Luật gia tỉnh…

3. Vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư

Đoàn luật sư đã thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm phối hợp với Đoàn luật sư ở các địa phương khác giám sát luật sư là thành viên, luật sư hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương trong việc tuân thủ pháp luật, tuân thủ Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư Việt Nam; thường xuyên bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, tư tưởng chính trị và kỹ năng hành nghề cho đội ngũ luật sư, phát huy vai trò của các luật sư là đảng viên, thành viên Ban Chủ nhiệm trong việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến các luật sư hành nghề theo đúng phạm vi, hình thức của pháp luật; Giám sát tập sự và đạo đức nghề nghiệp của luật sư; giáo dục chính trị, tư tưởng cho thành viên; tham gia xây dựng thể chế tại địa phương.

          Đoàn Luật sư tỉnh đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm, kịp thời bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của các luật sư thành viên, thường xuyên tổ chức công tác giám sát, đôn đốc, hướng dẫn đối với các tổ chức hành nghề, các luật sư và người tập sự hành nghề luật sư. Tổ chức cho các luật sư tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng… hàng năm theo quy định nên đội ngũ luật sư của tỉnh đã có sự phát triển tích cực cả về chất lượng và số lượng. Bên cạnh đó, Đoàn Luật sư tỉnh thường xuyên giám sát việc tuân theo pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư cũng như tổ chức công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho các luật sư và tạo điều kiện cho các luật sư tham gia học tập, nâng cao trình độ và kỹ năng hành nghề nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của công việc…

          4. Khó khăn, vướng mắc

Việc xây dựng, kiện toàn, phát triển đội ngũ luật sư vẫn còn gặp khó khăn, một số luật sư tuổi đã cao và một số luật sư có kinh nghiệm đã chuyển sang hoạt động hành nghề các chức danh bổ trợ tư pháp khác. Do vậy, đến năm 2020 việc phát triển số lượng nguồn luật sư của tỉnh là chưa đạt so với Kế hoạch đề ra (45/100 luật sư). Chỉ tiêu về số lượng luật sư trên địa bàn tỉnh không đạt được so với chỉ tiêu đề ra, việc phát triển các tổ chức hành nghề luật sư còn chậm, các tổ chức hành nghề luật sư chủ yếu đặt trên địa bàn thành phố Phan Thiết; một số huyện chưa có tổ chức hành nghề luật sư, chỉ có Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư thành lập nên chưa thực sự tạo điều kiện cho người dân khi có nhu cầu tư vấn; có địa phương chưa phát triển được tổ chức hành nghề luật sư như huyện Tánh Linh, Bắc Bình, Phú Quý; tỷ lệ luật sư cho mỗi Văn phòng luật sư còn ít so với tình hình thực tế.

Việc xây dựng các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa phát triển được. Vai trò tự quản của Đoàn Luật sư trong quá trình chỉ đạo, điều hành hoạt động của Đoàn cũng như thực hiện các biện pháp khác nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ luật sư để phục vụ cho việc hội nhập quốc tế chưa được phát huy triệt để do sự hạn chế về các yếu tố kinh phí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, tổ chức bộ máy…

Việc tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư vẫn chưa được một số luật sư nhận thức đầy đủ, chưa trở thành ý thức tự giác trong hoạt động hành nghề. Nhiều luật sư chưa xây dựng được tác phong chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề luật sư; chưa thật sự chú ý đến việc rèn luyện, nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Việc đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư chưa được chú trọng đúng mức.

Hoạt động luật sư được điều tiết theo cơ chế của thị trường và phụ thuộc vào nhu cầu của xã hội, trong khi đó điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức của một số cơ quan nhà nước, tổ chức, người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp về vị trí, vai trò của luật sư chưa đầy đủ, toàn diện nên đã tác động đến việc phát triển nghề luật sư, đặc biệt là việc phát triển số lượng luật sư trẻ; chưa hình thành được đội ngũ các luật sư chuyên sâu về tranh tụng hoặc tư vấn chuyên sâu trong từng lĩnh vực; trong các lĩnh vực pháp luật khác như hành chính, lao động, kinh tế... tỷ lệ vụ việc mà các luật sư tham gia còn thấp; quy mô tổ chức hành nghề luật sư còn nhỏ, chưa phát triển theo hướng chuyên nghiệp.

5. Đề xuất, kiến nghị

- Kiến nghị Bộ Tư pháp: Tiếp tục rà soát hoàn thiện thể chế pháp luật về Luật sư và hành nghề luật sư; tiếp tục xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển luật sư và triển khai thực hiện cho các giai đoạn sau năm 2020.

- Đề xuất UBND tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ trang bị thêm cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động, nhất là trụ sở hoạt động của Đoàn Luật sư tỉnh đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; có hình thức khen thưởng cho các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có thành tích và có công đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư trên cơ sở kết hợp quản lý nhà nước với phát huy vai trò tự quản của Đoàn Luật sư tỉnh.

- Đề nghị Đoàn Luật sư tỉnh: Quan tâm nghiên cứu thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức mình được quy định tại Điều 61 Luật Luật sư; chủ động trong việc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương để giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động như: về trụ sở làm việc, trang thiết bị cơ sở vật chất, ...

Mỹ Oanh

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP

Thành phần của Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận
Địa chỉ: 06 Nguyễn Tất Thành, phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Điện Thoại: (0252) 3.822.889 - Fax: (0252) 3.821.697
Email: stp@binhthuan.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang