Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của Sở Tư pháp Bình Thuận
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của Sở Tư pháp Bình Thuận
Sáng
11/5, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do đồng chí Lê Thành Long – Ủy viên Ban
Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp
làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Sở Tư pháp tỉnh Bình
Thuận.
(Toàn cảnh buổi làm việc)
Tại buổi
làm việc, bà Phạm Thị Minh Hiếu, Giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận đã báo cáo
tới Đoàn công tác về tình hình tổ chức bộ máy và một số kết quả nổi bật của đơn
vị trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.
Trong đó: Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ
thống văn bản quy phạm pháp luật tiếp
tục được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh quan tâm lãnh đạo,
chỉ đạo thực hiện; ngành Tư pháp đặc biệt coi trọng, xem đây là nhiệm vụ trọng
tâm, ưu tiên nguồn lực thực hiện. Đặc biệt, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh
ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 30/5/2022 về nâng cao chất lượng công tác
xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật
trên địa bàn tỉnh.
Công tác thẩm định văn
bản QPPL được thực hiện đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc theo quy định;
các báo cáo thẩm định ngày càng có chất lượng và thể hiện rõ quan điểm của cơ
quan thẩm định, được các cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá cao, tiếp thu, giải
trình đầy đủ, nghiêm túc; tạo được niềm tin và là cơ sở quan trọng để UBND tỉnh
và HĐND tỉnh xem xét, thông qua các dự thảo, góp phần nâng cao chất lượng văn
bản QPPL ở địa phương. Trong năm
2022 và những tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã ban hành 66 văn bản QPPL, gồm 24 Nghị quyết và 42 Quyết định;
trong đó Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành 01 Quyết định, tham mưu UBND
tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 01 Nghị quyết. Sở Tư pháp tập trung thực hiện công tác thẩm định đề nghị
xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng nâng cao chất lượng, đảm bảo
tiến độ theo quy định, đã thẩm định 74 hồ sơ, góp ý 82 hồ sơ. Đồng thời, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống
hóa VBQPPL cũng được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, Sở đã thực hiện tự
kiểm tra 100% văn bản QPPL của UBND tỉnh ban hành và kiểm tra 100% văn bản do
UBND cấp huyện gửi đến. Qua kiểm tra phát hiện một số văn bản của UBND cấp
huyện chưa đảm bảo các yêu cầu về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản, Sở Tư
pháp đã có thông báo kết luận kiểm tra để các địa phương rút kinh nghiệm và
thực hiện đính chính theo quy định.
(Giám đốc sở Tư pháp Phạm
Thị Minh Hiếu báo cáo với đoàn của Bộ Tư pháp)
Công tác tham mưu UBND tỉnh xử lý các vấn đề pháp lý phát
sinh ở địa phương, nhất là đối với các dự án đầu tư phát triển, công tác phòng,
ngừa tranh chấp quốc tế, giải quyết khiếu kiện được Sở Tư pháp thực hiện tích
cực, chặt chẽ, thận trọng gắn với công tác theo dõi thi hành pháp luật. Từ năm
2022 đến nay, đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều vụ việc liên quan đến các dự
án đầu tư, xây dựng, đất đai, khoáng sản, đấu giá, thuế... có vướng mắc, khó
khăn trong quá trình thực hiện; các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất
đai tồn đọng, kéo dài trong nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh. Qua tham mưu thực
hiện các vấn đề pháp lý phát sinh tại địa phương đã góp phần nâng cao hơn vai
trò, trách nhiệm của Sở Tư pháp trong tham gia xử lý, tháo gỡ các vấn đề vướng
mắc, khó khăn, phức tạp trong quá trình tổ chức thực hiện, đóng góp cho sự phát
triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Bên cạnh
đó, công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật
cũng được thực thi nghiêm túc. Đã thực hiện việc kiểm tra, rà soát, có ý
kiến tham mưu xử lý đối với 37 hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính có tính pháp lý
phức tạp được Chủ tịch UBND tỉnh giao. Tham gia ý kiến theo đề nghị của các Sở, ngành, địa
phương để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý của một số dự án, như: về
phương án thu hồi, tạo quỹ đất đấu giá Dự án sử dụng quỹ đất 02 bên đường 706B;
về kiến nghị của Công ty TNHH Delta-Valley liên quan đến đền bù giải tỏa đất
của người dân; vụ việc xử lý chất thải chứa SARS-CoV-2; về dự án sân bay Phan
Thiết, dự án du lịch nghỉ dưỡng MiMiSpa, dự án khu đô thị Tân Thiện - La Gi;
các dự án điện gió; đấu giá các mỏ khoáng sản...
Công tác
phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được chú trọng theo hướng đa dạng
hoá về hình thức, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao hiệu quả thực hiện. Ngay
từ đầu năm, Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo
dục pháp luật tỉnh ban hành các Kế hoạch, Đề án thực hiện công tác PBGDPL trên
địa bàn tỉnh và triển khai thực hiện các Kế hoạch, Đề án, Chương trình phối hợp
thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đặc biệt, năm
2022 Sở đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
xây dựng Kế hoạch phối hợp tổ chức Cuộc thi viết “Tìm hiểu pháp luật về hòa giải
ở cơ sở”, tổ chức cuộc thi trực tuyến ”Tìm hiểu pháp luật” với nhiều nội dung
phong phú, đa dạng thu hút hàng ngàn lượt người dân ở các địa phương và cán bộ,
công chức, viên chức cùng tham gia.
Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục đẩy mạnh
triển khai các nhiệm vụ gắn với ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường các
biện pháp thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án phát triển ứng
dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi
số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 ban hành kèm theo Quyết định
số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ và kiểm tra rà soát dữ
liệu hộ tịch đã được số hóa để chuyển vào Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch
dùng chung của Bộ Tư pháp.
Về kết quả giải quyết thủ tục hành chính, năm
2022 Sở Tư pháp đã giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đạt
99,8% (vượt 1,8% chỉ tiêu UBND tỉnh giao), tăng 0,31% so với chỉ tiêu thực hiện
năm 2021; trong đó, đã hạn chế thấp nhất hồ sơ trễ hạn
nhiều năm qua, chỉ có 19 hồ sơ trễ hạn /10.105 hồ sơ đã
giải quyết. Trong 4 tháng đầu năm 2023, chỉ có 03 hồ sơ trễ hạn/4.192 hồ sơ đã
giải quyết.
Giám đốc Sở Tư pháp đánh
giá các phòng, đơn vị và công chức, viên chức, người lao động Sở đã có nhiều nỗ
lực, làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao; lãnh đạo Sở có nhiều đổi mới
trong chỉ đạo, điều hành, tạo môi trường làm việc tốt, đoàn kết, phát huy trí
tuệ tập thể để ngày càng phát huy vị trí, vai trò của Ngành Tư pháp, nhận
được sự tin tưởng, ủng hộ của lãnh đạo tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng
từ việc sáp nhập các phòng, đơn vị theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, trong khi
biên chế ít và còn thiếu, số lượng công việc ngày càng tăng nên việc tham mưu
thực hiện một số nhiệm vụ chưa đạt được chất lượng, hiệu quả như mong muốn.
Bên cạnh
đó, hoạt động của ngành Tư pháp Bình Thuận hiện tại gặp không ít khó khăn,
vướng mắc. Trong đó, đáng chú ý là về công tác pháp chế, không có cơ quan
chuyên môn nào thuộc UBND tỉnh có phòng pháp chế, chỉ bố trí công chức kiêm
nhiệm công tác pháp chế, nhiều công chức không có trình độ chuyên môn luật. Từ
thực trạng thiếu người, thiếu chuyên môn dẫn đến chất lượng trong tham mưu,
thực hiện công tác pháp chế ở các sở, ngành tỉnh bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể
là việc xây dựng, góp ý, kiểm tra, rà soát văn bản, một số cơ quan chủ trì soạn
thảo chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục, thời gian xây dựng văn bản QPPL
theo quy định; chất lượng một số hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết đặc thù chưa
cao, nhất là các báo cáo đánh giá tác động của chính sách. Công tác rà
soát văn bản ở một số sở, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, một số
văn bản QPPL của HĐND, UBND có nội dung không còn phù hợp với quy định tại các
văn bản QPPL mới của cơ quan nhà nước cấp trên nhưng việc rà soát, đề xuất sửa
đổi, bổ sung, thay thế còn chưa kịp thời. Một số sở, ngành, địa phương
chưa quan tâm chỉ đạo sâu sát trong công tác xử lý vi phạm hành chính, chưa nắm
chắc và xử lý tốt hồ sơ vụ việc xử lý vi phạm hành chính. Mặt khác, trong
công tác theo dõi thi hành pháp luật, bồi thường nhà nước, việc tham mưu về các
vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng của các sở, ngành chất lượng, hiệu quả chưa
cao, còn phụ thuộc nhiều vào sự tham gia góp ý, hướng dẫn của Sở Tư pháp…
Qua đó,
Sở Tư pháp Bình Thuận đã kiến nghị với Bộ Tư pháp 09 nhóm giải pháp cụ thể:
(1) sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế làm
cơ sở xây dựng các chức danh chuyên trách làm công tác pháp chế tại các sở, ngành, địa phương; (2) sửa
đổi quy định về tăng mức chi phí tống đạt cho Thừa phát lại; (3) sửa
đổi Luật Công chứng theo hướng khuyến khích thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình doanh
nghiệp tư nhân tại địa bàn miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; (4) sửa đổi, bổ sung Nghị định
số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc; chứng
thực bản sao từ bản chính; chứng thực chữ ký; chứng thực hợp đồng, giao dịch
theo hướng chuyển giao việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch từ Ủy ban nhân
dân cấp xã sang cho các tổ chức hành nghề công chứng; (5) rà
soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ hỗ trợ để thu hút đội
ngũ chuyên gia giỏi, am hiểu chuyên sâu trên các lĩnh
vực tham gia vào công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở
địa phương; (6) sửa
đổi Luật Công chứng và Luật Đấu giá tài sản theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều động, luân
chuyển, bổ nhiệm Công chứng viên là Trưởng Phòng công chứng, Đấu giá viên là
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản; (7) sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về xử
lý vi phạm hành chính, Cơ sở dữ liệu trợ giúp pháp lý, Cơ sở dữ liệu về các tổ
chức hành nghề công chứng, con nuôi trong năm 2023; (8) sớm tổ chức kỳ kiểm tra kết
quả tập sự hành nghề công chứng năm 2023 để bổ sung nguồn công chứng viên hiện
còn thiếu trên địa bàn tỉnh; (9) quan tâm, có ý kiến với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận
quan tâm bổ sung biên chế, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước để tăng
cường đủ nguồn nhân lực thực hiện tốt nhiệm vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho đối tượng yếu thế trong xã
hội.
Lãnh đạo
các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc
trong quá trình công tác; lãnh đạo các Cục, Vụ trong Đoàn công tác Bộ Tư
pháp đã trao đổi thẳng thắn, chân tình hướng dẫn mang tính nghiệp vụ trước
những kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo Sở và phòng chuyên môn, phần nào giải tỏa
được những vướng mắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ tại địa phương.
(Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê
Thành Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị)
Kết thúc
buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá cao công tác
chuẩn bị nội dung, chương trình làm việc của Sở Tư pháp với Đoàn công tác. Đặc
biệt là trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Sở có nhiều đổi mới, bản
lĩnh, cương quyết. Điều này được Bộ ghi nhận và cảm ơn sự cố gắng của Sở trong
thời gian qua.
Về mục
tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành
Long mong muốn Sở Tư pháp Bình Thuận tiếp tục bám sát các nhiệm vụ trọng tâm,
yêu cầu chuyên môn của ngành, xử lý công việc bài bản, chuyên nghiệp. Với tính
chất công việc ngày càng thách thức, rủi ro ngày càng cao. Vì vậy, mỗi cán bộ
công chức của ngành tư pháp phải nhận thức rõ bối cảnh hiện tại để cẩn thận và
chuyên nghiệp hơn trong công việc. Cụ thể, Bộ trưởng chỉ đạo, bên cạnh việc bám
sát chương trình công tác của Bộ, Sở cần rõ ràng, mạch lạc trong quá trình tham
mưu cho UBND và các sở ngành khác. Bên cạnh đó, cần phát huy sức mạnh trí tuệ
tập thể, cố gắng tối ưu hóa việc sử dụng các công cụ mà ngành đang có để tổ
chức thực hiện có hiệu quả công tác Tư pháp, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý
Nhà nước, nâng cao vị thế của ngành Tư pháp và để các ngành khác luôn đề
cao việc tuân thủ pháp luật.
Bộ
trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng lưu ý là ngành Tư pháp không thể
đứng ngoài cuộc chuyển đổi số, công nghệ thông tin. “Đây là công cụ để thực
hiện tốt hơn việc quản lý, chứ không thay thế, xóa nhòa chức năng nhiệm vụ
quyền hạn của luật pháp”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.
(Đoàn công tác Bộ Tư pháp chụp hình lưu niệm cùng tập thể Sở Tư pháp)
Thảo Nguyên